1 thg 2, 2010

Chuyện kể trên dòng sông - bút ký của NGUYÊN TÙNG

Để có cuộc gặp gỡ thú vị này phải kể là sáng kiến của già Năm. Ông lão đã lên hàng “thất thập”, người thấp đậm, chân đi cà thọt do một tai nạn lao động những năm gần đây nhưng giọng nói còn sang sảng mang đậm chất đặc trưng của dân làng biển. Đặc biệt ông có một bộ nhớ tuyệt vời. Có những trận đánh, những chiến công của anh em du kích kể lại còn khi quên, khi nhớ, lẫn lộn trận trước trận sau dù chính họ là người trong cuộc, vậy mà ông kể vanh vách không sót chi tiết nào.

Anh Tư Hùng - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Bảo Thạnh đã giới thiệu với tôi như vậy. Tôi buột miệng hỏi:
- Hồi còn chiến tranh, ông Năm làm gì?
- Chỉ là dân thôi. Dân đóng đáy sông. Nhưng thuộc loại dân “gộc”, một tấc không đi, một ly không rời khỏi cái xóm Trại “con chó ngồi ló đuôi” mà phải chịu bom đạn có thể nói là nhất huyện Ba Tri này.
Gặp ông, khi biết được ý tôi muốn gợi lại cái thời gian khổ mà hào hùng - gian khổ thì tột cùng mà sự gan dạ, ý chí cách mạng cũng tột cùng - của dân làng Bảo Thạnh, thì ông già xóm Trại quay qua nói với Tư Hùng:
- Sao không nhân dịp này tạo một cuộc họp mặt, kể chuyện trên sông. Chú mời đi: Hai Gún, Chín Em, Hai Triển, Hai Lường... Mình xuống ghe ngồi nói chuyện. Dòng sông này gợi nhớ nhiều lắm đa!
Trời chiều. Mặt sông nước lớn đầy. Nhìn sang phía Thủ (Thạnh Phước) thấy hàng cây xanh sẫm lại làm tôi có cảm giác sông như rộng thêm ra. Tôi đã từng qua lại bến sông này nhưng chỉ buổi chiều nay, một buổi chiều tháng năm gió nam thông ngọn làm những gợn sóng nhấp nhô lúp xúp chạy vào bờ, vỗ vào mạn ghe lách chách tạo trong tôi cảm giác như vậy.
Chuyến phà chót trong ngày vừa cặp bến. Hành khách lũ lượt lên bờ, những chiếc xe Honda có gắn hai giỏ cần xé phía sau ba ga - một kiểu thồ chủ yếu của bạn hàng nơi đây - cùng những chiếc Honda ôm thi nhau đồng loạt nổ máy, rồ ga phút chốc tạo cho khu xóm nhỏ này sự ồn ào, náo nhiệt. Trông ai cũng có vẻ vội vàng mong kịp về nhà sau một ngày vất vả. Và ở đàng kia, nơi con rạch ăn sâu vào phía Lăng Ông, những chiếc ghe chèo ra khỏi vàm, hướng về phía hàng đáy trông thật thong thả, an nhàn bỏ lại sau lưng mọi sự ồn ã nơi cuối xóm.
- Quang cảnh bình thường vậy, chú có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào nhưng với Bảo Thạnh, nhất là ở xóm Trại này là mơ ước cả đời chúng tôi.
Anh Tư Hùng vỗ vào vai tôi. Quay lại, thấy mọi người đã đến. Tưởng ai, hóa ra đây là những người mà tôi từng gặp. Chị Hai Triển còn có biệt danh là Bà Hai Trầu, chủ quán cà phê, cháo lòng ở bến đò mà mỗi lần đi Thạnh Phước - Bình Đại tôi thường hay ghé đợi phà sang. Anh Gún, anh Em tôi gặp trên ruộng muối. Chị Hai Lường tôi biết vào dịp Hội Lăng... Nhưng có điều tôi chưa hề biết là những người lam lũ hàng ngày như bao người khác này lại là những con người một thời dũng cảm, đấu tranh giành giật với địch từng tấc đất.

*
* *

Bảo Thạnh là một trong hai xã(*) vành đai của huyện Ba Tri có địa phận tiếp giáp với biển. Đây là một trong những xã nằm trong thế liên hoàn căn cứ rừng mỏng - một địa thế thuận lợi cho việc tiến hành chiến tranh du kích. Phía Bắc có sông Ba Lai tiếp giáp Bình Đại, phía Đông - Đông Nam là biển với những cồn bãi nối liền Thạnh Phú, tiện lợi cho ta dưỡng quân, bảo toàn lực lượng trong những tình thế gay go. Nhưng địch cũng nắm được yếu tố này nên trên bản đồ chiến lược chúng khoanh nơi đây là vùng trắng, tức vùng có thể oanh kích tự do. Dọc sông Ba Lai trên bờ là đồn bót giăng giăng, dưới sông thì hải thuyền, tàu đầu bằng, ngoài biển thì hạm đội. Mảnh đất nhỏ bé này từng là mục tiêu hủy diệt của pháo hạm từ ngoài biển nã vào, từ Ba Tri dội xuống, từ Bình Đại bắn qua. Rồi thì bom đủ loại, đủ cỡ từ 100 đến 500 cân Anh, bom bi, napan. Nhưng ngoài những vũ khí tối tân “được” phát minh bằng những bộ óc của các nhà bác học và phải chế tạo bằng công nghệ hiện đại nhất thế giới ấy, chúng còn dùng một loại “vũ khí” êm ái khác, tuy cổ xưa nhưng vô cùng thâm hiểm - nếu xét trên khía cạnh đạo lý. Còn nếu xét trên bình diện hậu quả mà nó đem lại thì không thua kém bất cứ loại vũ khí hiện đại nào. Đó là cắt đứt nguồn nước ngọt và lương thực của những chiến sĩ cách mạng.
Rừng Bảo Thạnh là rừng ngập mặn nằm cặp sông Ba Lai về phía hạ lưu và chạy ven bờ biển, mọc đủ loại cây: Dà, mấm, đước, su, dá, chùm lé, chà là gai. Cứ mỗi vạt rừng có một con đường độc đạo nối liền với giồng cát, cách hàng một, hai cây số. Muốn có nước ngọt không còn cách nào khác là phải lên giồng. Và con đường đó chính là con đường máu.
Không phải đến thời Mỹ xâm lược chúng mới áp dụng chiêu thức này mà vào những năm 50 tên Tây lai Lê-ông Lơ-roa - Tỉnh trưởng kiêm chỉ huy trưởng Tiểu khu Bến Tre - đã từng cho bọn lính Đầu đỏ từ Bình Đại sang vây chặt vùng biển Bảo Thạnh, khóa chặt những con giồng, nơi duy nhất có những giếng nước ngọt. Lúc ấy rừng Bảo Thạnh không chỉ có cán bộ, chiến sĩ tại địa phương mà còn là căn cứ của đội Phòng thủ trực thuộc Huyện Đội. Cứ mỗi lần lên lấy nước là có rớt máu. Chúng vây chặt ở đây suốt hai tháng trời. Và trong khoảng thời gian ấy biết bao nhiêu máu của chiến sĩ ta đã đổ để giành giật từng giọt nước ngọt. Có những chiến sĩ hằng đêm xung phong mò lên giồng moi từng củ khoai lang, khoai mì bỏ vào ống quần dài cột túm lại mang về. Bữa có, bữa không. Không cả khoai, cả nước và cả người nữa. Nhín nhút, dè sẻn cỡ nào rồi đến lúc cũng phải hết khi cả năm, bảy đêm chưa lấy thêm được lít nước nào. Vậy là có người nảy ra “sáng kiến” khi thấy trong cứ còn có sữa. Họ lấy nước mặn pha sữa uống để cầm hơi. Không ngờ cái đói, cái khát chưa đỡ chút nào lại bồi thêm những trận tiêu chảy. Có người như không còn gượng đứng được nữa.
Thời gian khổ ấy rồi cũng qua. Hiệp định Giơ-ne-vơ là bản cáo chung cho chế độ thực dân. Lê-ông Lơ-roa - người đàn anh hết thời nhưng đã để lại một kinh nghiệm, một chiến thuật đắt giá cho bọn đàn em ôm chân Mỹ sau này. Chúng đã tận dụng triệt để. Những năm 61 - 62 giặc đi lại nước cờ cũ, lần này thì qui mô hơn về quân lực cũng như hỏa lực, quyết cắt tuyệt đường tiếp tế gạo, nước của cách mạng. Chúng nghĩ rằng rừng Bảo Thạnh sẽ là nấm mồ chôn tập thể của Việt cộng. Có điều chúng không ngờ được là căn cứ của những chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ có đến hai khu rừng. Ngoài cánh rừng thiên nhiên ấy còn có rừng người. Đó là lòng dân làng Bảo Thạnh.
Những năm ấy trên ruộng lúa ở Bãi Dì Phước người ta thường thấy những đống phân trâu, phân bò khô được gom vun lại. Ai hỏi sẽ được trả lời: “Gom cho gọn để bữa nào rảnh sai mấy sắp nhỏ gánh về hầm vỏ nghêu làm vôi ăn trầu”. Hoặc: “Gom lại ủ cho mau hoai để chừng mưa xuống làm phân bón ruộng”. Đêm đến, từ dưới rừng du kích bò lên moi từ trong ấy ra những trái phao loại lưới biển đầy nước ngọt và những bòng gạo. Nhưng có được gạo, nước rồi mà đường chuyển về tới cứ cũng thật gian nan. Phải qua nhiều chặng, nhiều người chứ một người không thể thuộc hết đường đi. Vả lại, dù có thuộc cũng không thể một mình mà chuyển nổi. Rừng ngập nước, lội vừa nước vừa bùn lên tận đầu gối, muốn nghỉ dọc đường phải tìm một cây có cháng ba gác bòng gạo hay phao nước lên.
Thấy tôi cứ mải nhìn dãy quán sá nơi bến đò giờ đã lên đèn, ông Năm nói:
- Chỗ đó xưa là hàng rào ấp chiến lược. Còn dưới bến sông nơi ghe muối đậu giăng giăng kia lúc thì hải thuyền, lúc tàu đầu bằng đậu. Vậy mà dãy hàng đáy đêm nào cũng có ánh đèn. Chính ánh đèn đó lại là ám hiệu cho anh em mình qua sông mà tụi nó không hề biết, nghen.
- Ám hiệu như thế nào, chú Năm?
- Bình thường chiếc đèn lồng được treo phía trước mũi ghe, cả khi có giặc kích trong xóm. Khi nào đèn treo phía sau lái ghe thì biết tình hình êm, anh em có thể vô xóm được.
Chị Hai Lường chỉ tay về phía ngôi nhà tường sáng rực ánh nê ông:
- Còn ngay đó xưa là bót. Cơ sở hợp pháp của mình lúc đó là bà Hai Trầu này nè, bả tổ chức lấy bót ngay giữa ban ngày ngon ơ.
Vậy là câu chuyện trở nên rôm rả. Ký ức chiến tranh như bừng sống dậy. Những đau thương, mất mát cùng những hành động anh hùng cứ xen lẫn vào nhau.
Sau luật 10/59 - bộ luật giết người dã man nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm là lê máy chém khắp tận hang cùng ngõ hẻm hòng tiêu diệt hết những cán bộ cách mạng đã thất bại vì phong trào Đồng khởi, Diệm lại nặn ra sách lược khác: Xây dựng hàng rào ấp chiến lược. Với sách lược này chúng hy vọng sẽ cách ly được người dân với những người kháng chiến mà chúng gọi là “Tát cạn nước để bắt cá”. Và có lẽ chúng cũng không ngờ rằng sách lược ấy đã thất bại sớm nhất ở Bảo Thạnh. Ban ngày chúng bắt gom dân dựng hàng rào bằng những trụ sắt, căng dây kẽm gai, cặm chông nhưng đêm đến cũng chính những con người, những bàn tay ấy phá banh. Nhiều lần như vậy, nổi điên chúng bắt dân lại hăm he, dọa nạt đủ điều. Hỏi: “Ai trong số các người phá ấp chiến lược?”. “Việt cộng phá chứ ai”. Lại hỏi: “Mấy người phá chứ Việt cộng ở đâu mà phá?”. “Mấy ổng ở dưới rừng lên phá chứ ở đâu? Bắt tụi tôi làm cực thấy mẹ, ai phá làm chi”. “Nói để liệu hồn, hễ còn phá nữa thì các người còn làm lại hoài”. “Mấy ổng về phá, mấy ông có giỏi thì ban đêm ra đây mà giữ. Chúng tôi là dân, biết gì!”. Hùng hổ vậy nhưng không đời nào chúng dám ra giữ ban đêm.
Ở cái xóm Trại này dù chỉ vài chục nhà dân chúng cũng đóng bằng được cái đồn để án ngữ mặt sông. Nhưng chính trên dòng sông này đã diễn ra hai lần “uống máu ăn thề” tiễn đưa cơ sở nội tuyến của ta vào đồn địch. Hôm trước, chú Bảy Sơn - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri - lúc ấy là huyện ủy viên thường vụ phụ trách các xã vùng biển kể với tôi:
- Chúng tôi xuống một chiếc ghe có mui kín, chèo ra giữa sông. Trong mui, chúng tôi trương Đảng kỳ lên. Những khẩu súng ngắn được tháo ra để trên sàn ghe. Tôi, đồng chí Tư Trò - Bí thư Xã ủy, đồng chí Hai Ẩn - Xã đội trưởng cùng đồng chí nội tuyến ngồi chung quanh, chính giữa để một chung nước, một lưỡi lam. Trong không khí trang nghiêm, sau khi tuyên thệ sẽ trung thành tuyệt đối với Đảng, sống chết vẫn giữ tròn khí tiết chúng tôi dùng lưỡi lam cắt máu ở đầu ngón tay hòa trong chung nước rồi chia nhau uống. Sau đó đồng chí nội tuyến trở vô đồn giặc.
Còn nhớ khi nghe chú Bảy kể tôi bỗng liên tưởng tới câu chuyện Thái tử Đan tiễn đưa chàng Kinh Kha trên dòng sông Dịch ngày xưa. Không biết buổi tiễn người tráng sĩ với nhiệm vụ quá ư trọng đại là giết tên bạo chúa Tần Thủy Hoàng mà nếu thành công sẽ chuyển xoay cả lịch sử Trung Quốc ấy thật sự diễn ra thế nào chứ như người đời sau kể lại thì nhuốm quá nhiều màu sắc lãng mạn. Có rượu, có máu, có cao lương mỹ vị, có tiếng sáo Cao Tiệm Ly nhưng cũng có cả bàn tay mỹ nữ. Ân tình thì sâu nặng mà cái lý tưởng vì chính nghĩa lại nhẹ bổng, nếu không muốn nói là không có. Bởi vậy, tiệc tàn, chàng đệ nhất kiếm sĩ đơn thân độc mã vào đất Tần chỉ là một cuộc phiêu lưu.
Còn ở câu chuyện trên dòng Ba Lai vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX không là dạ yến, chỉ có những trái tim rực lửa cùng chung lý tưởng. Anh không hề đơn độc mà bên cạnh còn có những cán bộ hợp pháp và sự ủng hộ của cả rừng người. Buổi tiễn đưa không đàn, không sáo, không ánh mắt mỹ nhân mà chỉ là tiếng róc rách của sóng vỗ vào mạn ghe, và phía xa kia là ánh đèn đóng đáy của ông Năm rực đỏ lên trong đêm tối.
Vậy mà mấy tháng sau ta đã lấy gọn bót Trại ngay giữa ban ngày. Chị Hai Triển nhớ lại:
- Sau một tháng rưỡi ra vô bót khi thì mời lính dự tiệc như đám giỗ, đám cưới, khi thì cho cua, cho cá làm mồi nhậu nhưng thiệt ra là để bắt liên lạc với cơ sở nội tuyến, tôi đã tổ chức thêm được ba cơ sở đồng tình nữa, trong đó có trưởng đồn Khiêm. Thư từ, kế hoạch tôi giấu trong đầu tóc hoặc trong áo ngực nên tụi lính không phát hiện được. Trưởng đồn Khiêm bảo tôi lưu ý ba tên, trong đó thằng Phúc là thằng ngoan cố nhất. Hôm đó chúng tôi tổ chức tiệc nhậu ở nhà chị Hai Thanh, mồi là gỏi tôm khô và tôm luộc cuốn bánh tráng, rồi mời trưởng đồn Khiêm cùng mấy anh em binh lính đồng tình khác ra nhậu. Trong đồn chỉ còn lại ba tên. Lúc tiệc đang vui, ai nấy đã ngà ngà say thì bên kia lộ, bộ đội ta giả dạng mấy ông ngư dân đi đóng đáy, súng đạn bỏ trong cần xé trên phủ đệm, nóp khiêng đi. Nhưng đi đóng đáy mà không xuống ghe lại đi thẳng vô bót. Tên Phúc đang ngủ nghe chộn rộn tỉnh dậy chưa kịp phản ứng ta diệt tại chỗ. Còn tên Khương lấy súng chống cự, bắn một anh bộ đội bị thương. Bên ngoài lực lượng ta tràn vô thế áp đảo, tên Khương run như cầy sấy vội buông súng. Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ ta lấy gọn bót Trại với toàn bộ súng ống, đạn dược. Lúc ấy là khoảng mười giờ sáng.
Những chiêu bài giành dân, bao vây co cụm hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng bị liên tiếp thất bại ở mảnh đất nhỏ xíu ven biển này làm cho địch ngày càng điên tiết. Nếu nhìn từ máy bay xuống xóm Trại chỉ là một mảnh đất thoi loi với vài ba chục mái nhà nhưng đây chính là cửa ngõ quan trọng, một điểm tựa không những cho phong trào cách mạng địa phương mà còn của cơ quan Huyện ủy Ba Tri lúc đóng ở rừng Bảo Thạnh và Bình Đại. Đây cũng là nơi đặt trạm Phẫu thuật tiền phương của Quân y huyện. Chính vì vậy nên địch không từ một hành động dã man nào nhằm hủy diệt, xóa sổ xóm Trại. Sau đợt rải thuốc khai quang là những trận bom khủng khiếp. Người dân xóm Trại hôm nay vẫn còn kinh hoàng khi nhớ đến trận bom ngày 22-6 âl năm 1967.
Ông Năm kể rằng: Buổi sáng ngày xảy ra thảm họa ông đang đóng đáy ngoài sông cùng với cha con chú Bảy Tra - ba và em trai của chị Hai Triển. Có hai chiếc trực thăng quần đảo rồi bắn xuống chỗ hàng đáy. Ông nhảy qua ghe chú Bảy để trở vô vì ghe chú Bảy có gắn máy Koler. Nhưng khi ghe vừa chạy thì đạn từ trên trực thăng bắn xuống xối xả. Ông nói với chú Bảy Tra: Bỏ ghe lội chú Bảy ơi, nó bắn ghe đó. Vừa nói ông vừa tuột xuống sông lặn về phía cột đáy. Không biết chú Bảy có nghe lời ông nói không hay vì trên ghe còn thằng To mà chú không nỡ bỏ. Đạn bắn như mưa, nước tung tóe không thấy ghe đâu. Hết một loạt thứ nhất từ lúc ông Năm đến ôm chặt cột đáy, còn thấy chú Bảy ngồi cầm máy. Lúc này hai cha con chú Bảy ngồi sát bên nhau. (Lúc ông Năm còn trên ghe thì thằng To ở trong mui). Chúng bắn tiếp loạt thứ hai, khi dứt thì ông Năm không thấy chú Bảy và thằng To đâu nữa. Chiếc ghe không người lái chạy rướn một đoạn rồi chìm.
Chờ cho hai chiếc trực thăng khuất dạng, ông Năm lội vô bờ vào xóm báo tin. Tưởng như thế đã êm, không ngờ gần bốn giờ chiều xuất hiện chiếc đầm già quần đảo rồi bắn trái điểm khói màu vàng xuống khu vực giữa xóm. Liền đó sáu chiếc phản lực thay phiên dội bom, mỗi đợt hai chiếc. Những trái bom 250 cân Anh, bom napan, bom bi từ bụng lũ hung thần tới tấp tuôn xuống hòng biến khu xóm nhỏ bé này thành bình địa. Mặt đất rung chuyển, vỡ tung, trời như sập xuống mịt mù lửa khói. Tiếng kêu la của trẻ con bị át đi trong tiếng xé gió, hú gào của động cơ máy bay rồi tắt ngấm trong tiếng nổ của bom tấn. Chiếc ghe chở ruốc phân đậu nơi mé rạch trúng bom, một nửa chiếc bị hất tung lên tận nóc nhà của anh Hai Gún. Lửa napan bốc cháy dãy nhà từ đầu xóm tới, rồi cuối xóm cháy lại hòa vào nhau biến xóm Trại thành một lò lửa khổng lồ. Người còn sống sót từ những chiếc trảng xê trong nhà chạy túa ra nhảy xuống trú ẩn ở những hố cá nhân nước ngập đến ngang bụng hoặc những chiếc trảng xê lớn ở ngoài sân, nơi lửa chưa cháy tới. Những đứa trẻ khi thấy lửa bốc cháy nhà mình, chúng chui từ trảng xê trong nhà ra chạy tới nhà chị Hai Đầm ở đầu xóm, phía trên gió. Ở đây phía sau nhà có chiếc trảng xê lớn có thể chứa được gần hai mươi người và khá kiên cố. Con Đôi, con Tuội con của ông Năm, rồi thằng Chuốt, thằng Trơn, thằng Trợt, thằng Trạc con chú Bảy Bào cũng trú ở đây... Nhưng khi cả dãy nhà trong xóm bị thiêu rụi, chỉ còn lại căn hầm này (phía trên có lợp lá sơ sài kiểu nhà trống) giặc chưa thỏa mãn bởi hành động hủy diệt nên trước khi quay về chúng còn rải thêm trận mưa xăng bột chặn bít hai miệng trảng xê. Mười hai người mà trong đó hết mười là trẻ con dưới mười ba tuổi không một ai còn sống sót.
Giọng ông Năm nghèn nghẹn:
- Đến bảy giờ tối mới dứt tiếng bom. Chúng tôi nháo nhào chạy đi kẻ tìm cha mẹ, người tìm vợ chồng, con cháu. Tiếng khóc than dậy đất. Xóm nhà giờ chỉ còn là rừng cột cháy đỏ như những dãy đèn cầy - bởi hầu hết là nhà cột chôn nên không ngã. Lúc moi căn hầm sau nhà Hai Đầm, tôi gặp ngay anh Bảy Biện. Ảnh chết trong tư thế hai cánh tay vươn ra ngoài để moi đất, gạt lửa cứu mấy đứa nhỏ. Nhưng... Cả hầm bị chết cháy hết.
Tất cả lặng im. Không khí bỗng nhiên chùng xuống. Đoạn ký ức đau thương của chiến tranh như những con sóng cứ dồn dập dội về trong mỗi con người. Tôn trọng phút giây thiêng liêng ấy, tôi lẳng lặng bước ra mui, phía mũi ghe. Trăng mười bốn tròn vạnh dát ánh sáng xuống mặt sông làm những gợn sóng lăn tăn nhấp nhánh ánh bạc. Những dãy đước cặp mé rạch sẫm lại trong đêm, vẫn ẩn hiện hàng ngàn rễ chạc vươn ra bấu chặt vào đất. Hình ảnh ấy làm tôi liên tưởng đến những con người chân chất, lam lũ mà gan góc đang ngồi đây. Gian khổ, đau thương là vậy nhưng vẫn không quật ngã, bẫy bật được họ ra khỏi mảnh đất này.
Dòng sông đêm đẫm ánh trăng hôm nay thật là thơ mộng, ai biết đâu trong chiến tranh nó từng là chứng tích của nhiều trận đánh ác liệt. Cũng chính trong lòng sông sâu mênh mang sóng nước này có lúc là kho vũ khí cung cấp cho chiến sĩ giải phóng trong những tình huống ngặt nghèo. Dù huy động trí tưởng tượng tôi cũng không thể hình dung nổi một con người gầy gò, khắc khổ do phải lam lũ, đánh vật với cuộc sống hàng ngày như anh Hai Gún đang ngồi kia có một thời được mệnh danh là chàng Yết Kiêu trên dòng sông Ba Lai này. Có những lúc cả đội du kích xóm Trại không còn cây súng nào, vào mỗi trận đánh phải về trên mượn. Khi được, khi không. Nhiều lúc cấp trên bảo: “Súng trong đồn giặc thiếu gì, các anh vào lấy mà đánh!”. Các anh hiểu những lúc ấy phong trào cách mạng của xã cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn. Nhưng muốn đánh đồn mà không một vũ khí trong tay đâu phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Vậy là phải tìm cách xoay xở. Biết giặc từng nhiều lần bị ta đánh rớt súng xuống đáy sông, anh Hai Gún một mình xung phong lặn mò. Sông sâu và rộng mênh mông vậy, mò tìm súng khác nào mò tìm kim dưới đáy biển. Ấy vậy mà anh chàng Yết Kiêu của làng Bảo Thạnh đã tìm được từ trong kho báu Thủy cung hàng chục khẩu M.16.
Chính trên dòng sông này Hai Gún, Chín Em đã một phen sống mái với bọn hải thuyền. Nhiều năm sau mỗi khi nhớ lại hai anh cũng không ngờ mình còn sống được.
Đó là đêm mười tám âm lịch, trăng sáng tựa ban ngày. Đội các anh gồm sáu người được lệnh ra ghe đáy sông Cầu quan hệ cơ sở và tiếp nhận lương thực. Trước đó các anh được báo là hải thuyền neo đậu tại đây hàng tuần, đã rút đi. Không ngờ chúng “nhả răng bừa” lại một tiểu đội kích trên ghe đáy của dân. Khi ghe ta vừa áp vào, Hai Gún đứng trước mũi nắm sợi dây nhảy lên ghe đáy định cột liền bị một thằng lính đỡ ngực. Nhanh như chớp anh huơ súng gạt tay nó rồi thuận đà lên gối, nó rớt xuống sông. Anh nhảy qua chiếc ghe thứ hai cùng với bốn anh du kích liền bị chúng tung lựu đạn, ghe bị bể nước vô ầm ầm. Bốn anh du kích nhảy xuống sông bị chúng thảy lựu đạn, tức nước chết. Ghe chìm, anh thả trôi rồi lội vô bờ.
- Mày hả Gún? - Có tiếng hỏi từ mé bãi. Đó là anh Chín Em. Lúc áp sát ghe đáy Chín Em đứng dậy hai tay bấu chặt be ghe định phóng người lên, bất ngờ bị một thằng kê súng ngay trán bắn. Nhưng chúng cũng trong tâm trạng hoảng loạn nên bắn không trúng anh. Lúc ấy Chín Em có cảm giác như ai hốt cát đá vãi vào mặt mình. Anh ngã vật xuống lòng ghe. Chiếc ghe trôi dần ra xa. Chúng quăng lựu đạn tới tấp nhưng không trúng. Vì anh nằm im dưới lòng ghe nên chúng tưởng anh đã chết.
Còn lại hai người trên bãi, vừa đứng dậy chạy chúng phát hiện được bắn như mưa, lửa đạn xẹt đỏ dưới chân. Chạy một đỗi chân Chín Em nhức buốt do vết thương cũ hành đến mức không bước được nữa. Anh nắm vào vạt áo anh Hai Gún. Bãi lầy xăm xắp đến cổ chân, Hai Gún chạy kéo lê Chín Em hàng mấy cây số.
Trận chạm trán bất ngờ với địch ấy ta hy sinh bốn nhưng phía địch cũng chết ba, trong đó có tên trung úy chỉ huy. Rồi mười ngày sau, cũng chính hai anh về xóm Trại diệt được tên trưởng đồn Đức, thu hai súng.

*
* *

Chiến tranh đã đi qua ngót một phần tư thế kỷ. Xóm Trại bây giờ không còn dấu tích những hố bom. Dãy nhà bị lửa napan thiêu rụi ngày nào hôm nay đã mọc lên ken dày, san sát, có những ngôi nhà tường lát gạch men khang trang, lộng lẫy. Khu rừng mỏng ven bờ Ba Lai qua bàn tay, khối óc người dân xóm Trại đã biến thành cánh đồng muối mênh mông. Và dòng sông hào phóng cho nguồn nước kết tinh thành hạt muối, nguồn thu chủ yếu của người dân làng Bảo Thạnh.
Dấu tích chiến tranh trong thiên nhiên từ mặt đất, cánh rừng đến dòng sông theo thời gian có thể xóa đi nhưng sẽ không bao giờ xóa được trong lòng của mỗi con người. Ta có thể gác lại để nó nằm im trong một ngăn nào đó của tiềm thức chứ không thể quên đi. Tôi nhận ra điều đó ẩn trong câu chuyện trên dòng sông Ba Lai của những con người đã từng trải qua chiến tranh này. Vâng, họ chỉ là những con người bình thường, hiền như đất, lam lũ làm ăn, có người một chữ bẻ đôi không biết. Ấy vậy mà khi có giặc họ đã đứng lên đấu tranh, bám trụ sẵn sàng hy sinh tính mạng để giành lại độc lập, tự do. Và khi giặc tan rồi họ lại trở về với dòng sông, với ruộng muối chỉ mong đem đôi bàn tay mình tạo ra của cải làm giàu cho mảnh đất quê hương - mảnh đất nhỏ bé mà phải hứng chịu lắm cảnh đau thương này.
Trăng lên cao chếch đỉnh đầu. Đêm càng vào sâu trăng càng vằng vặc. Chiếc ghe bồng bềnh theo nhịp sóng. Lòng tôi lại bồng bềnh theo từng câu chuyện về dòng sông, về mảnh đất, về con người nơi chốn này. Trong cái tĩnh lặng của đêm, bỗng nghe từ con đường trong xóm tiếng kẽo kịt của những chiếc xe bò chở hàng ra bến, tưởng như nghe tiếng đất trở mình.

6/2000



Chú thích:
(*) Trước 1975 : Bảo Thạnh - Tân Thủy.

Tác giả giữ bản quyền.

N.T (Bến Tre)

0 Trả lời:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More