MY' HISTORY ...

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY ...

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY ...

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

6 thg 3, 2010

Định nghĩa mô hình kinh doanh

Một mô hình kinh doanh, theo góc nhìn của chúng tôi, gồm bốn yếu tố phối hợp với nhau sẽ tạo ra và mang lại giá trị. Theo đó, điều quan trọng nhất là phải đi đúng hướng từ đầu



Nhận diện giá trị khách hàng (Customer value proposition – CVP)

Một công ty thành công là công ty tìm được cách tạo ra giá trị cho khách hàng. Đó là cách giúp khách hàng thực hiện một công việc quan trọng. Từ “công việc” ám chỉ đến một vấn đề cơ bản trong một tình huống cụ thể cần có giải pháp. Khi đã hiểu được công việc và tất cả các thông số về nó bao gồm quá trình làm thế nào để thực hiện công việc đó, chúng ta có thể đưa ra các giải pháp. Công việc càng quan trọng với khách hàng, mức độ hài lòng của khách hàng với giải pháp hiện tại để hoàn thành công việc càng thấp, giải pháp của bạn càng tốt hơn giải pháp hiện tại để thực hiện công việc (và dĩ nhiên giá càng thấp) thì CVP càng cao. Chúng ta phải tìm ra cơ hội để tạo ra CVP hiệu quả nhất khi các sản phẩm và dịch vụ thay thế không được đưa ra cho công việc thực tế và bạn có thể đưa ra lời đề nghị giúp cho công việc và chỉ công việc đó được thực hiện một cách hoàn hảo. Chúng ta sẽ bàn luận vấn đề này sau.

Công thức lợi nhuận

Công thức lợi nhuận là kế hoạch xác định công ty có thể tạo ra giá trị cho bản thân nó như thế nào trong khi cung cấp giá trị cho khách hàng. Nó bao gồm:

• Mô hình doanh thu: giá cả x số lượng

• Cơ cấu chi phí: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, tính hiệu quả kinh tế. Cơ cấu chi phi phần lớn được thúc đẩy bởi chi phí của các nguồn lực chính cần thiết cho mô hình kinh doanh.

• Mô hình lợi nhuận: với một lượng và cơ cấu chi phí cụ thể thì lượng cần đóng góp của mỗi giao dịch là bao nhiêu để đạt được lợi nhuận mong muốn.

• Sự linh hoạt của nguồn lực: chúng ta có thể quay vòng hàng tồn kho, tài sản cố định và các tài sản khác nhanh như thế nào và nhình chung chúng ta cần tối ưu hoá các nguồn lực như thế nào để hỗ trợ cho lượng sản lượng dự đoán và đạt được lợi nhuận mong muốn.

Mọi người thường nghĩ cụm từ “công thức lợi nhuận” và “mô hình kinh doanh” có thể thay đổi cho nhau. Nhưng làm thế nào để tạo ra lợi nhuận chỉ là một phần trong mô hình kinh doanh. Chúng tôi nhận thấy bắt đầu bằng việc đề ra giá để thực hiện được CVP và sau đó tính ngược trở lại từ mức giá đó để quyết định các thông số chi phí và tổng lợi nhuận cận biên là bao nhiêu thì sẽ hữu hiệu hơn. Sau đó, điều này quyết định quy mô và sự linh hoạt của các nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn.

Các nguồn lực chủ yếu

Các nguồn lực chủ yếu là những tài sản như con người, công nghệ, sản phẩm, cơ sở, thiết bị, kênh phân phối và thương hiệu cần thiết để tạo ra giá trị cho khách hàng mục tiêu. Mục tiêu ở đây là các yếu tố chính tạo ra giá trị cho khách hàng và công ty và cách mà cách yếu tố đó tương tác với nhau. (Tất cả các công ty đều có những nguồn lực cơ bản chung không tạo ra sự khác biệt có tính cạnh tranh riêng)

Các quá trình chủ yếu

Các công ty thành công có quá trình vận hành và quản lý cho phép họ đem lại giá trị theo cách mà họ có thể lặp lại thành công và tăng quy mô. Những quá trình này có thể bao gồm những nhiệm vụ có định kỳ như đào tạo, phát triển, sản xuất, phân bổ ngân sách, lập kế hoạch, bán hàng và dịch vụ. Những quá trình chủ yếu cũng bao gồm các quy tắc, điều luật, điều lệ và quy ước của công ty.

Bốn yếu tố này tạo thành khuôn chung cho bất cứ doanh nghiệp nào. CVP và công thức lợi nhuận xác định giá trị cho khách hàng và công ty; tương tự, các nguồn lực chủ yếu và các quá trình chủ yếu mô tả làm thế nào để mang lại giá trị cho cả khách hàng và công ty.

Mô hình này có thể rất đơn giản, sức mạnh của nó nằm ở sự tương tác phức tạp giữa các thành phần. Những thay đổi lớn tới bất kì một trong bốn yếu tố này đều ảnh hưởng đến những yếu tố còn lại và cả mô hình. Những doanh nghiệp thành công tạo ra một hệ thống ít nhiều ổn địnhmà trong hệ thống đó những yếu tố ràng buộc lẫn nhau theo những cách phù hợp và bổ sung cho nhau.

4 thg 3, 2010

10 cách giúp chương trình khuyến mãi đạt hiệu quả cao

Khi thị trường bước vào giai đoạn bão hòa, cạnh tranh khốc liệt, ngoài yếu tố nâng cao chất lượng, nhà sản xuất áp dụng các chiêu thức khuyến mãi để câu khách.

Các chương trình khuyến mãi đều nhắm vào mục đích tăng nhanh doanh số và thường được quảng cáo bằng những poster treo tại các cửa hàng, gởi thư đi khắp nơi, quảng cáo trên báo và tờ bướm.

Doanh thu của các công ty trong hai thập kỷ qua đã tăng lên rất nhiều nhờ vào chi phí quảng cáo. Vào năm 1969, 53% trong tổng ngân sách dành cho việc tiếp thị được sử dụng vào mục đích quảng cáo. Hai mươi năm sau, Donnelly Marketing đã báo cáo rằng 70% ngân sách đó lại đổ vào những chương trình khuyến mãi.

Sau đây là 10 cách để giúp cho những chương trình khuyến mãi đạt được hiệu quả cao hơn:

1. Thẻ giảm giá

Thẻ giảm giá là một trong những công cụ khuyến mại được sử dụng rộng rãi nhất. Theo NCH Promotional Services, các công ty ở Canada đã phát hành 2,32 tỷ thẻ giảm giá trong năm 2002. Trong số đó, 110 triệu thẻ đã được dùng đến. Những coupon như vậy đem lại nhiều lợi ích khác nhau:

- Giúp khởi động lại một nhãn hiệu đang xuống dốc.

- Giúp gia tăng thị phần trong một thời gian ngắn.

- Kích hoạt sự chú ý của khách hàng đến nhãn hiệu của bạn.

- Giúp bạn tiếp cận được với vô số khách hàng trong một thời gian ngắn.

- Giảm thiểu sự mất lòng tin của khách hàng. ACNielsen nói rằng những khách hàng sử dụng thẻ giảm giá thì trung thành với nhãn hiệu đó lâu hơn những khách hàng nhận được khuyến mãi ngay tại quầy.

- Lôi kéo sự chú ý của khách hàng đối với hương vị mới hoặc bao bì mới của sản phẩm.

- Khiến khách hàng muốn thử sản phẩm của bạn. Tính toán cho thấy rằng 65% trong tổng các coupon phát ra được sử dụng để giúp bạn tiếp cận với khách hàng mới (con số này là 50% cho các nhãn hiệu đã có vị thế).

Information Resouces Inc. đưa ra báo cáo rằng 25% (hoặc hơn) doanh thu của các nhãn hiệu nổi tiếng như nước súc miệng Scope, thuốc aspirin Bayer, sốt ướp thịt nướng của Kraft, ngũ cốc Kellogs và bột giặt Wisk đến từ coupon. Cho đến những năm cuối thập kỷ 80, người ta đã tính được rằng 20,8% doanh thu của các mặt hàng thức ăn nhanh đến từ các coupon giảm giá hoặc coupon đặc biệt.

Theo một báo cáo của Nielsen, 58% tổng số hộ gia đình ở Mỹ dùng đến thẻ giảm giá vào năm 1971, 65% vào năm 1975 và 76% vào năm 1980. Số khách hàng sử dụng thẻ giảm giá nhiều nhất rơi vào các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu.

Mức độ thông dụng của thẻ giảm giá thay đổi tuỳ theo quốc gia. Tỷ lệ ở Canada trong năm 2004 là khoảng 4%, trong khi con số đó là 56% ở Bỉ, 16% ở Ý và Tây Ban Nha, và 7,5% ở Anh.

Coupon (thẻ giảm giá) có hai nhược điểm. Thứ nhất, hơn 20% số coupon bị sử dụng vào các một cách gian lận và càng ngày càng khiến cho các nhà kinh doanh phải đau đầu. Đồng thời, coupon vẫn thất bại trong việc gia tăng lòng trung thành của khách hàng đối với một nhãn hiệu nào đó hoặc trong việc tăng doanh số bán ra xét về tầm trung và lâu dài. Trên thực tế, chỉ có 1 trong 10 chiến dịch giúp gia tăng hơn 10% doanh số bán ra.

2. Các sự kiện đặc biệt

Những sự kiện như vậy giúp bạn vươn đến một lượng khách hàng vốn dĩ không quan tâm nhiều đến quảng cáo Ngay cả những sự kiện đặc biệt không phải dành cho giới cao cấp vẫn là một công cụ quan trọng trong nỗ lực trong hoạt động tiếp thị của bạn.

GM (General Motors) tổ chức những chương trình đặc biệt ngoài trời chỉ dành riêng cho những người sở hữu xe Saturn. Molson đầu tư 30% đến 40% ngân sách hàng năm dành cho các hoạt động truyền thông và marketing vào việc tự tổ chức các sự kiện và tung sản phẩm mới.

3. Sản phẩm thử

Phân phát sản phẩm thử miễn phí là một phương tiện đầy uy lực trong việc thúc đẩy doanh số bán ra cho một sản phẩm hiện có, hoặc cho một nhãn hiệu mới ra đời. Ngay cả khi không có các nỗ lực quảng cáo hay khuyến mãi khác, 33% số người nhận được một mẩu sản phẩm thử cho một nhãn hiệu cà phê mới sẽ kể lại cho bạn bè và gia đình nghe về nhãn hiệu đó.

Trong ngành công nghiệp thực phẩm, các sự kiện nếm thử sản phẩm có thể kích hoạt việc mua sản phẩm ngay sau khi thử 8 trên 10 lần. Đối với ngành công nghiệp sản xuất nước hoa, mẩu thử, chứ không phải là quảng cáo, thường là yếu tố tạo nên sự khác biệt. “Chúng ta sẽ vẫn cần đến quảng cáo để xác lập hình ảnh nhãn hiệu, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng điều quan trọng nhất ta có thể làm cho một mùi hương mới là đưa nó đến tận tay người tiêu dùng.” Sharon LeVan, Phó Chủ Tịch Hãng mỹ phẩm Max Factor phát biểu.

4. Quà tặng

Quà tặng là một phương tiện khác để kéo khách đến cửa hàng. McDonald’s phát ra đến 1,5 tỉ đồ chơi trên toàn thế giới mỗi năm. Trên thực tế, McDonald’s và các đối thủ cạnh tranh phát ra lượng đồ chơi chiếm đến gần 1/3 tổng lượng đồ chơi phân phối hàng năm tại Mỹ.

Nếu bạn khuyến mãi bằng cách tặng quà, hãy bảo đảm đó là một món quà bất ngờ. Sự tò mò là một trong những động lực có tính thôi thúc cao nhất xét về bản năng con người. Nếu bạn nói chính xác bạn sẽ tặng gì, một vài người sẽ vẫn cần nó, nhưng sẽ có một số đông đáng kể quyết định rằng họ không cần nó. Sự bất ngờ luôn làm mọi người thú vị.

5. Giảm giá

Hơn bao giờ hết, giá sản phẩm là yếu tố then chốt trong marketing và nó khiến khách hàng mua hoặc tránh xa sản phẩm của bạn. Một nghiên cứu của Cahners Advertising Research Report cho thấy 98,7% khách hàng bị ảnh hưởng bởi giá khi họ mua một sản phẩm nào đó.

Việc thiết lập giá sản phẩm đòi hỏi sự tính toán rất phức tạp và đầy tính khoa học. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy sản phẩm có giá kết thúc bằng số lẻ đạt doanh số cao hơn các sản phẩm có giá kết thúc bằng số chẵn. Khoảng 80% giá sản phẩm kết thúc bằng số 9 hoặc 5.

Jo Marney, một chuyên viên tư vấn về quảng cáo/truyền thông ở Toronto cho rằng: “Định giá là một môn khoa học phức tạp và thay đổi theo sản phẩm và thị trường. Rất nhiều sách marketing căn bản cho rằng giá kết thúc với các số lẻ (ví dụ 1,3,5,7,9), hoặc gần một con số làm tròn nào đó (ví dụ: 99, 98) sẽ làm tăng độ nhạy của khách hàng. Năm 1969, Lawrence Friedman (tác giả cuốn Psychological Pricing in the Food Industry. Tạm dịch: Cách định giá dựa vào yếu tố tâm lý trong lĩnh vực thực phẩm) chỉ ra rằng việc những mức giá nhất định có tác động lên tâm lý người mua hàng xuất phát từ một thực tế đã có từ lâu, vì ông phát hiện những giá kết thúc bằng số “9” hoặc “5” chiếm gần 80% giá thực phẩm bán lẻ. Gần 50% các khuyến mãi giảm giá là bội số của 5, nhưng những kiểu giảm giá số chẵn lại chiếm ưu thế hơn.

Kết quả nghiên cứu bởi Edward Blair và Laird Landon đăng trên tạp chí Journal of Marketing mùa xuân năm 1981 cho thấy rằng khách hàng cảm thấy họ tiết kiệm được nhiều hơn với giá quảng cáo khi so sánh nó với một giá chuẩn nào đó. Tuy nhiên giá chuẩn này không phải lúc nào cũng được chấp nhận như là so sánh thực khi tính toán xem mình tiết kiệm được bao nhiêu. Trong một nghiên cứu, khách hàng được giảm giá dựa theo những giá chuẩn như vậy khoảng 25%.

Brian Wansink đã có một khám phá thú vị khi tung hứng với giá cả và hình thức sản phẩm. Nếu khách hàng được mua súp đóng hộp với giá 79 cent không giới hạn số lượng, thường thì họ sẽ mua 3 hoặc 4 hộp cùng lúc. Tuy nhiên, nếu áp đặt giới hạn một khách chỉ được mua 12 lon, khách hàng sẽ mua trung bình khoảng 7 hộp, nghĩa là tăng số lượng mua tăng lên đến 112%. Trong cùng một mạch như vậy, một poster quảng cáo khuyến mại mua 4 hộp với giá 4 đô la sẽ bán chạy hơn lời chào mời “1 lon giá chỉ 1 đôla”.

Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy kiểm tra kỹ nội dung thông báo khuyến mãi trước khi gửi đi in chính thức. Năm 1993, một mẩu quảng cáo cho hãng hàng không Continental Airlines trên tờ Boston Globe với nội dung khuyến mãi giá vé cho các chuyến bay từ Boston đến Los Angeles là 48 đô la thay vì 148 đô la. Chỉ thiếu mỗi số 1 mà hãng này phải chịu một khoản lỗ đến 4 triệu đô la.

6. Bao bì đặc biệt

Hãy sử dụng bao bì để quảng bá sản phẩm của mình bất cứ khi nào có thể. Trong giai đoạn nghỉ lễ cuối năm 1990, Coca-Cola bán ra loại chai chỉ dành cho kỳ lễ năm đó theo kiện 6 chai, trọng lượng 6 ½ ounce có in hình ông già Nô-en trên thân chai. Trong kỳ Giáng Sinh, Anheuser-Busch đổi thiết kế bao bì thông thường của mình sang kiện 12 chai và 24 chai Budweiser với hình ảnh những đội ngựa đua Clydesdale đứng trong tuyết. Nhưng “chỉ có các nhãn hiệu với danh tiếng đã được xác lập mới có khả năng tung hứng với các chi tiết bao bì đã được đăng ký của mình”, theo phát biểu của Howard Alport thuộc Lipson-Alport-Glass & Associates.

Luật này thì đã rõ, hãy nhớ kiểm tra bao bì sản phẩm của mình trước khi tung ra thị trường. Chương trình khuyến mãi Magic Summer năm 1990 (tạm dịch “Mùa hè diệu kỳ”), một trong những chiến dịch lớn nhất trong lịch sử của hãng Coca-Cola, đã bị ngưng đột ngột khi “thiết bị khuyến mãi” trên khoảng 750,000 lon nước giải khát có ga này có vấn đề. Thiết bị này đáng lẽ sẽ bung ra các loại giải thưởng trị giá từ 5 đến 200 đôla khi mở nắp lon, nhưng có lúc nó lại bị xì hơi thay vì bung lên.

Có ít nhất một đứa trẻ đã uống phải thứ nước được dùng để thay thế nước Coke trong các lon có giải thưởng. Nhiều đứa trẻ khác lại ngạc nhiên khi thấy từng cuộn đôla rơi ra khỏi lon của mình. Sau chót, Coca-Cola còn bị “quật tơi bời” khi gửi các lon nước có giải thưởng đến cho các nhà báo với danh nghĩa khuyến mãi. Toàn bộ nỗ lực khuyến mãi này biến thành một thảm hoạ tài chính đầy nhức nhối.

Taco Bell đã thu hồi 300.000 chai nhựa sau khi phát hiện ra rằng có một đứa trẻ đã tự tháo rời được phần thân trên của chai và đã thử nuốt phần miệng chai. Hardee’s Food Systems tự nguyện thu hồi 2,8 triệu đồ chơi khuyến mãi sau khi một vài đứa trẻ cố nuốt thử pin của đồ chơi.

7. Miễn phí và tặng thêm

Trong một thế giới nơi sự bất trung thành của khách hàng đã trở thành một hiện tượng phổ biến, những mẩu quảng cáo có kèm sản phẩm miễn phí (“Mua 3 tặng 1”) và những đề nghị đặc biệt khác (“dầu xả miễn phí kèm theo dầu gội đầu”) chắc chắn sẽ “ăn tiền”.

8. Các chương trình khách hàng thân thiết

Tem tiết kiệm (Saving stamps) là một trong những chương trình tạo lập khách hàng thân thiết đầu tiên. Sperry & Hutchinson giới thiệu giới thiệu loại Tem Xanh S&H – S&H Green Stamps - ở Jackson, Mississippi vào năm 1896 với mục đích đơn giản là để thưởng cho sự trung thành của khách hàng. General Mills giới thiệu cách tính điểm thưởng Betty Cocker vào thập niên 1920. Vào thập niên 1950, các công ty sản xuất thuốc lá bắt đầu các chương trình khách hàng trung thành bằng cách kèm coupon vào các gói thuốc.

Chương trình khách hàng thân thiết bắt đầu phát triển mạnh vào thập niên 1980. Các hãng hàng không là những công ty đầu tiên nhận ra tiềm năng của chiêu thức này.

Chương trình khách hàng thân thiết cũng được tạo lập và giữa thập niên 1980 bởi rất nhiều các chuỗi khách sạn lớn như Marriott, Holiday Inn, Radisson và Hyatt. Một nghiên cứu của Radisson cho thấy 70% tổng số khách du lịch được điều tra bị ảnh hưởng bởi chương trình khuyến mãi theo phương thức này.

Ngày nay, người ta tính toán được rằng có đến 60% dân số Canada có thẻ khách hàng thân thiết, trong khi có gần 70% khách mua hàng người Mỹ có tham gia ít nhất một chương trình khách hàng thân thiết. Các chương trình khách hàng thân thiết được dựa trên một lập luận căn bản rằng 80% tổng doanh thu đến từ 20% tổng số khách hàng, bất kể hình thức chương trình. Một công ty có thể bảo đảm đạt chỉ tiêu tài chính nếu thu hút được 20% số khách hàng này.

Những chương trình khách hàng thân thiết như Air Miles, Optimum và Aeroplane ở Canada không chỉ giúp đẩy doanh thu của công ty mà còn giúp cho công ty hiểu hơn về khách hàng của mình. Zellers đã duy trì được chương trình khách hàng thân thiết của mình suốt gần 15 năm qua. Club Z có gần 10 triệu khách hàng thành viên, trong đó 7,6 triệu thành viên mua hàng đều đặn hàng tháng.

Chương trình khách hàng thân thiết của Canadian Tire với loại tiền riêng Canadian Tire là một ví dụ khác về một kế hoạch độc đáo và hiệu quả được khởi sự từ năm 1958. Khách hàng quay lại cửa hàng và mua đến 80% số tiền in đặc biệt của hãng. Ước chừng có một số lượng tiền in đặc biệt này trị giá khoảng 200 triệu đô la Canada được lưu hành. Tiền mặt có thể được thay thế bằng tem. Trong cả hai trường hợp, ý tưởng vẫn là một: mang khách hàng quay trở lại với cửa hàng hoặc sản phẩm của mình. Viagra mới vừa giới thiệu Thẻ Giá Trị (Value Card) của hãng mình. Với 6 lần mua kê đơn Viagra, khách hàng sẽ được miễn phí lần mua thứ 7.

9. Hạ giá và hoàn thêm tiền cho hãng đã mua (Mail-in rebate)

Phương pháp này ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực máy tính. Cách giảm giá này mang lại lợi ích to lớn cho nhiều công ty khi những số liệu thống kê nội bộ của họ đã chỉ ra rằng có một số lượng lớn khách hàng thường quên quyền được “đòi” thêm tiền giảm giá.

10. Các cuộc thi

Các cuộc thi là phương pháp hào hứng nhất để áp dụng đối với khách hàng. Những cuộc thi làm mọi người thử dùng các sản phẩn mới và làm tăng sự yêu thích của khách hàng.Trong nhiều năm, nhiều công ty đã đưa ra những loại giải thưởng cụ thể như nữ trang, tiền, các loại thẻ, tàu thuyền…

Nếu bạn muốn thực hiện một chương trình khuyến mãi kiểu này, đừng mắc phải những sai lầm của các công ty như Kraft, Anheuser-Busch và Maytag, họ đã in ra quá nhiều phiếu may mắn. Vào năm 1993, chi nhánh Maytag ở Anh không thể tránh khỏi tai họa khi chi nhánh này đã khuyến mãi vé máy bay miễn phí cho những khách hàng mua ít nhất 150 đôla – và đã có đến 200.000 khách hàng nộp phiếu đăng ký cho những tấm vé máy bay miễn phí này.

Pepsi-Cola đã phải đấu tranh với 800.000 người thắng giải ở Philippines khi công ty đưa ra con số trúng giải sai lệch trong một cuộc thi. Những công ty đa quốc gia đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình có bạo lực. Pepsi cuối cùng đã giải quyết vấn đề này bằng cách chi trả 20 đôla cho từng người có con số trúng thưởng.

Cùng lúc, bạn cũng phải chắc chắn rằng sẽ có số lượng người trúng giải hợp lý trong chương trình của bạn. Chương trình khuyến mãi của hãng Coca-Cola vào năm 1992 tại Thế Vận Hội đã không có lấy một người trúng giải.

Hoạt động quảng cáo đang dần dần thay đổi cách thức chúng ta mua sắm. Những yêu cầu về thông tin và các tài liệu sản phẩm, sử dụng thử và thể thành viên của các câu lạc bộ đã tạo ra cuộc cách mạng bằng những nổ lực của các chương trình khuyến mãi. Rủi thay các cuộc nghiên cứu đã cho biết rằng sự trung thành của người tiêu dùng cho các sản phẩm đã bắt đầu giảm từ đầu những năm 80. John Philip Jones đã nói rằng hiện nay người tiêu dùng chắc chắn sẽ mua một nhóm bốn hoặc năm nhãn hàng khác nhau thay vì chỉ một nhãn hàng như trước kia và họ sẽ thay đổi việc sử dụng từ nhãn hàng này sang nhãn hàng khác trong các tình huống khác nhau.


Theo First News

Xác định giá bán là một nghệ thuật

Xác định giá bán thế nào, làm sao thu hút được khách hàng và khiến họ hào hứng bỏ tiền ra mua, làm sao đưa ra mức giá vừa có tính cạnh tranh, vừa không quá thiệt... là cả một vấn đề. Có những mặt hàng mà giá rẻ chưa chắc đã dễ bán bằng giá đắt. Điều này liên quan đến tâm lý “tiền nào của nấy”.

Với từng doanh nghiệp, định giá bán sản phẩm là chuyện "thường ngày ở huyện" và không ít người coi đó là chuyện "nhỏ như con thỏ". Song việc định giá và niêm yết giá, trên thực tế, lại không hề đơn giản. Định giá không những là một vấn đề khoa học nghiêm túc mà còn là ... nghệ thuật nữa.

Khoa học hay nghệ thuật?

Về lý luận, ai cũng biết là giá cả xoay quanh giá trị của hàng hóa. Nhưng sản phẩm thì càng ngày càng phức tạp, giá cả lại chịu quá nhiều yếu tố chi phối nên chuyện giá cả "thoát ly giá trị" không còn là chuyện "xưa nay hiếm". Có thể thấy rõ điều này qua sự chi phối của quan hệ cung cầu đến giá cả hàng hóa. Khi cung lớn hơn cầu, giá hàng hóa sẽ rẻ đi, nhiều lúc thấp xa so với giá trị. Ngược lại, khi cầu lớn hơn cung, giá sẽ đắt lên và cái gọi là "giá trị" sẽ phải bước sang một bên để nhường chỗ cho giá trị sử dụng lên ngôi.

Đó là lý do nhiều nhà sản xuất kinh doanh cố gắng cho ra sản phẩm vào lúc ít người có, nguồn cung khan hiếm. Thí dụ, đối với nông sản, người ta cố gắng tạo ra các loại giống trái vụ hoặc tìm ra phương pháp bảo quản để rau quả vẫn có thể xuất hiện trên sạp dù mùa thu hoạch đã qua từ lâu. Trong công nghiệp cũng vậy, dưới tác động của cung và cầu, sản phẩm đơn chiếc, làm thủ công bao giờ cũng đắt hơn sản phẩm sản xuất đại trà trên dây chuyền công nghệ hiện đại.

Khoa học thì tính toán như thế. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, xác định giá bán thế nào, làm sao thu hút được khách hàng và khiến họ hào hứng bỏ tiền ra mua, làm sao đưa ra mức giá vừa có tính cạnh tranh, vừa không quá thiệt... là cả một vấn đề. Nó liên quan đến nhiều yếu tố mang tính tâm lý, văn hóa, tập tục và đôi khi ... cả tâm linh nữa!

Những con số bí ẩn

Nhân nói đến văn hóa và tâm linh, người phương Đông (nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam) không hiểu sao rất chuộng số 8, số 9. Đi xe, ai cũng muốn chọn biển 8 nút hay 9 nút hoặc số đôi là 8 và 9. Có điện thoại cũng muốn mua sim có đuôi 8, đuôi 9. Những biển số xe, số sim được coi là "đẹp" có thể được bán với giá rất cao ở Trung Quốc và Hongkong. Người Nhật cũng rất thích số 8, 9 nên giá bán hay được thiết kế để có đuôi 80, 90 hoặc 800, 900.

Người Trung Quốc ưa số 9 có thể vì nhớ đến câu "cửu cửu thập thành", thể hiện mong muốn trọn vẹn, lâu bền. Vì thế, đồ phục vụ cưới ở Trung Quốc thường có giá gồm các số 9, ví dụ chăn ga giá 99 tệ, giường cưới 999 tệ, nhẫn cười 1299 tệ... Giá bán ở đây như lời chúc lứa đôi mãi mãi hạnh phúc bên nhau nên rất được các đôi uyên ương ưa thích và sản phẩm đương nhiên là bán chạy.

Có số được chuộng thì cũng có số bị ... ghét. Người Hoa rất ghét số 250 vì coi đó là biểu hiện của sự ngu muội, ngốc nghếch. Hàng hóa niêm yết giá đó rất khó bán. Điều này cũng giống như người phương Tây ghét con số 13 vậy. Người Hoa còn ghét số 4 vì đồng âm với từ "tử" . Một người bạn tôi từ Trung Quốc về cho biết, bên đó giá các căn hộ ở cao ốc số 4 thường thấp hơn một chút so với các căn hộ ở cao ốc số 5, số 8. Thế mới biết giá cả cũng phụ thuộc tâm linh!

Tuy nhiên, yếu tố tâm linh cũng chỉ ảnh hường đến một số loại giá cả mà thôi. Trong 10 con số tự nhiên cũng chỉ có vài số mang đậm yếu tố "hên, xui". Việc sử dụng những con số còn lại và cả 10 con số trong việc định giá, xét cho cùng, là nghệ thuật sắp xếp chữ số của doanh nghiệp. Tại sao có mặt hàng giá niêm yết rất lẻ nhưng cũng có mặt hàng giá niêm yết rất chẵn? Tại sao hàng này giá phải cao mới bán được bởi đặt giá thấp sẽ chẳng có ai mua? Có vị tiến sĩ chia sẻ: "đằng sau mỗi giá bán là cả một triết lý".

Cầu thực và cầu tiện

Nếu có dịp vào các cửa hàng Trung Quốc bạn sẽ thấy giá niêm yết của họ rất lẻ. Ví dụ, chai nước ngọt 5,5 tệ, 4,9 tệ, 6,9 tệ... ở Đài Loan hay Hồng Kông cũng vậy. Tại sao giá lẻ vậy? Bởi nó hợp với tâm lý tiết kiệm của người tiêu dùng. Mỗi khách hàng khi xem giá đều hy vọng giá của sản phẩm phù hợp với giá trị của nó. Việc yết giá lẻ tạo cảm giác người bán đã tính toán cặn kẽ các chi phí, khiến người mua có cảm giác giá đó là chân thực, đáng tin cậy. Cho nên, không lạ gì khi cửa hàng niêm yết giá khăn tay 14.500đ thì bán chạy mà 15.000đ thì bán chậm. Niêm yết giá lẻ chính là đánh vào tâm lý cầu thực của
người tiêu dùng.

Nhưng trong xã hội hiện đại, người ta còn coi trọng thời gian và hiệu quả. Nhiều người rất thích sự tiện lợi và nhanh chóng. Để đáp ứng tâm lý cầu tiện, nhà kinh doanh lại phải đưa ra các loại giá chẵn. Tờ báo giá 2.000đ chứ không phải 1.800đ, cây kem 5.000đ chứ không phải 4.800đ hay 5.200đ v.v... Người mua không muốn mất thì giờ để chờ nhận lại 1, 2 trăm đồng tiền thừa. Giá lẻ trong trường hợp này sẽ bị coi là làm mất thời gian. Thử nhìn vào những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày mà xem. Bạn sẽ thấy chẳng ai yết giá bát phở 15.500đ hoặc tô bún 14.500đ. Chỉ có thể là 15.000đ hoặc 15.000đ mà thôi!

Bạn có thể vẫn thấy một số sản phẩm có giá lẻ dù tâm lý cầu tiện nói rằng, chúng phải có giá chẵn. Đó là do người sản xuất muốn dành số tiền thừa cho đại lý hưởng. Thí dụ, khi các tòa soạn yết giá tờ báo 1.900đ, họ hiểu rằng sẽ có rất ít người mua báo chờ lấy lại 100đ và số tiền đó đương nhiên thuộc về người bán báo, giúp họ kiếm thêm chút đỉnh.

Tất nhiên, không chỉ hàng tiêu dùng hàng ngày người ta mới yết giá chẵn. Nhiều mặt hàng cao cấp vẫn đưa ra giá chẵn, ví dụ như ô tô xe máy, tủ lạnh, ti vi. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy chúng lẻ ở hàng trăm nghìn hoặc chục nghìn. Ví dụ, ti vi LCD có giá 8.890.000đ, vừa đánh vào tâm lý cầu thực, vừa tạo hình ảnh "rẻ nhỉ, to thế mà chưa đến 9 triệu .

Của rẻ là của ôi

Đã là người tiêu dùng, bất kể thu nhập thấp hay cao, bất kể mua đồ tầm tầm hay sang trọng, ai cũng muốn mua rẻ. Không phải rẻ tuyệt đối mà là rẻ tương đối, thí dụ như"rẻ hơn hàng bên cạnh" hay "rẻ hơn cái thằng vừa mua trước mình".

Nắm được tâm lý này, các bà các chị tiểu thương áp dụng ngay chiêu "bao giá" . Ô-kê, em mời bác cứ đi cả chợ, nếu có ai bán rẻ hơn thì em xin bù tiền cho bác. Thế là bác vững tâm mua. Hay như anh đại lý bán ôtô con, giá niêm yết 37.200 USD nhưng anh sẵn sàng "gãi đầu, gãi tai" bảo với khách hàng" ai em cũng chỉ bớt có 200 đô nhưng riêng anh em bớt thêm 100 đô nữa gọi là \ấy chỗ đi lại". Thế là ta mua rẻ hơn thằng khác. Thế là chỉ có 36.900, tức là "chưa đến 37 ngàn". Và thế là móc hầu bao.

Đương nhiên giá rẻ thì dễ bán nhưng có những mặt hàng mà giá rẻ chưa chắc đã dễ bán bằng giá đắt. Điều này liên quan đến tâm lý "tiền nào của nấy . ở Trung Quốc, người ta đã làm một thí nghiệm như sau. Họ cho rượu vang Thông Hóa vào 2 loại chai A và B. Trong
chai loại A chỉ cho thêm một chút hương liệu, sau đó yết giá bán khác nhau. Khách được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 dùng rượu loại A yết giá 23 tệ, rượu B yết giá 4 tệ. Nhóm 2 ngược lại, dùng rượu A yết giá 4 tệ và loại B yết giá 23 tệ. Cả 2 nhóm được hỏi "rượu nào ngon?''''. Kết quả là ai cũng khẳng định loại 23 tệ uống ngon hơn, chất lượng tốt hơn. Rõ ràng là người tiêu dùng chịu tác động của hiệu ứng "tiền nào của nấy .

Hiệu ứng tâm lý "tiền nào của nấy" đặc biệt rõ trong điều trị bệnh. Có vị bác sĩ kê đơn thuốc giá rẻ cho bệnh nhân và bệnh nhân cảm thấy rất "lâu khỏi" . Anh ta đến gặp và trách bác sĩ cho mình uống thuốc không tốt. Vị bác sĩ lấy chính loại thuốc đó, đựng vào lọ đẹp, dán mác ngoại vào và đưa cho bệnh nhân với giá đắt gấp 5 lần. Lần này thì công hiệu. Bệnh nhân uống thuốc và nhanh chóng "khỏi bệnh".

Nhiều người đã tìm cách tận dụng tâm lý này của người tiêu dùng. Vào những năm áo da còn là mốt, có người nhập được lô hàng giá rẻ nên yết giá có 500 ngàn. Ngày qua ngày, rất ít khách hỏi bởi chẳng ai tin có áo da rẻ thế, có họa là giả da. Vị chủ cửa hàng, khi đã hiểu ra, chỉ bình tĩnh điền thêm số 1 vào trước số 500 thành 1,5 triệu. Thế là mua sầm sập.

Lời kết

Cầu thực, cầu tiện, rồi tâm linh, rồi "tiền nào của nấy" ... là muôn mặt của tâm lý tiêu dùng. Bên cạnh tâm lý, giá cả còn chịu tác động của thị hiếu. Có thời, chiếc xe Honda DD đỏ đắt hơn các màu khác, xe Dream màu nho đắt hơn màu đen có khi tới cả triệu đồng. Thị hiếu đã chi phối giá cả. Nếu không nắm được điều này, kinh doanh sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Tôi có người bạn dạo năm 1990 "đánh" xe cũ từ Nhật về. Chỉ vì nhập xe theo tiêu chí "sản xuất năm 1981" mà không chú ý tới thị hiếu "kim vàng giọt lệ" nên lô xe về ế ẩm, cuối cùng phải bán lẻ để thu hồi vốn.

Việc định giá trước hết phải lấy giá thành làm căn cứ. Nhưng nếu chỉ dựa trên giá thành, có khi lại lỡ cơ hội làm giàu. Ngoài giá thành, phải tính cả quan hệ cung cầu, tâm lý tiêu dùng và thị hiếu tiêu dùng. Biết được như vậy, trăm trận trăm thắng.



Theo Doanhnhan360

Học cách nói lời yêu thương với khách hàng

Thực tế, khách hàng cũng chỉ là “người trần mắt thịt”, họ cần thỏa mãn lợi ích của mình, họ kỳ vọng mua được những sản phẩm phù hợp nhất và được phục vụ tốt nhất.

Tác giả Quốc Dũ Minh trong cuốn sách "Nói lời yêu với khách hàng" đã phá bỏ quan niệm “khách hàng là thượng đế” tồn tại bao lâu nay, bởi theo ông: “Khi đặt khách hàng lên ngôi thượng đế, chúng ta sẽ quá đề cao khách hàng mà hạ mình quá đáng, tạo nên tâm lý sai lầm, lúc nào cũng thấy mình trông chờ vào sự ban ơn của thượng đế. Đó là cái vòng luẩn quẩn kỳ quái”.

Thực tế, khách hàng cũng chỉ là “người trần mắt thịt”, họ cần thỏa mãn lợi ích của mình, họ kỳ vọng mua được những sản phẩm phù hợp nhất và được phục vụ tốt nhất. Vì vậy, hãy coi khách hàng là “người yêu”, có nghĩa là bên cạnh việc cung cấp những sản phẩm với chất lượng và giá thành phù hợp, chúng ta cần quan tâm đến cảm nhận của họ, phục vụ họ nhiệt tình, khiến họ cảm thấy tin tưởng, dành cho họ những tình cảm chân thành và trở thành chỗ dựa vững chắc của họ, có như vậy thì chúng ta mới khiến họ trở thành khách hàng trung thành của chúng ta.

“Nói lời yêu với khách hàng” do Thái Hà Books và NXB Lao động xã hội liên kết phát hành, giá 49.000 đồng, sử dụng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, gần gũi như “lời yêu” của đôi tình nhân.

Cuốn sách miêu tả quy trình bán hàng của một nhân viên kinh doanh đối với khách hàng của mình như quy trình của một người chinh phục trái tim người yêu và hơn thế nữa là trở thành người bạn đời của mình.

Cuốn sách bao gồm 50 nguyên tắc được chia làm 9 phần tương ứng với từng bước chinh phục "người yêu" sẽ giúp các nhân viên kinh doanh thay đổi quan niệm khách hàng là “thượng đế” thành “người yêu” và từng bước chinh phục họ trở thành khách hàng trung thành.

“Nói lời yêu với khách hàng” sẽ giúp bạn phương cách để tìm được “người yêu”, điều tra thông tin “người yêu”, sắp xếp được kế hoạch “yêu”, chuẩn bị cho các cuộc “hẹn hò”, nuôi dưỡng “tình yêu”, cách thức “cầu hôn”, “kết hôn” và cuối cùng là làm thế nào để duy trì “hạnh phúc trong hôn nhân”?



Nguồn: Laodong

1 thg 3, 2010

Tư vấn quản trị doanh nghiệp ứng dụng CNTT

Đây là dịch vụ giúp khách hàng thiết lập các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho lợi thế cạnh tranh và tạo lập giá trị. Gimasys giúp khách hàng tiếp cận với các giải pháp chiến lược từ chiến lược doanh nghiệp đến chiến lược tác nghiệp, từ chiến lược tổ chức và thay đổi đến chiến lược công nghệ thông tin. Gimasys bắt đầu từ quan điểm của khách hàng về tương lai kinh doanh để xác định chiến lược hành động và điều khiển sự chuyển đổi, giúp khách hàng có những lựa chọn đúng để nâng cao tính cạnh tranh và tạo ra các nguồn lợi mới.

Tái Cơ cấu quy trình quản trị kinh doanh/ Tái thiết kế/ Hợp lý hóa quy trình

Đánh giá quy trình quản trị kinh doanh để xác định các quy trình thừa, không mang lại thêm giá trị v.v… đồng thời giảm thiểu sự chia tách các quy trình liên quan đến công nghệ thông tin, giúp khách hàng nâng tầm quản lý:

  • Phân tích và mô hình hóa quy trình quản trị kinh doanh (xác định sơ đồ quy trình trong các lĩnh vực: Quản lý kế toán tài chính, Quản lý chuỗi cung ứng gồm quản lý yêu cầu mua, Quản lý cung cấp và tác nghiệp, Quản lý sản xuất, Quản lý phân phối)
  • Thiết kế tái cơ cấu và cải tiến quy trình quản trị kinh doanh
  • Theo dõi việc quản lý thay đổi và triển khai quy trình quản trị kinh doanh

Cần một người trợ thủ tin cậy

Các doanh nhân trẻ có thể làm tốt công việc kinh doanh hay quản lý mà không cần sự hỗ trợ của ai đó nhưng điều đó không có nghĩa là họ không cần một trợ thủ, người có kinh nghiệm để giúp họ xử lý trôi chảy công việc, đem lại cho họ sự cân bằng và ổn định trong hoạt động doanh nghiệp.

Hình ảnh thường thấy của bất kì một doanh nhân nào là những chiếc điện thoại, laptop luôn ở trạng thái sẵn sàng giao tiếp, liên lạc với đối tác kinh doanh. Nhưng khi tất cả diễn ra đồng loạt và cần được tiến hành ngay lập tức như trả lời điện thoại, kiểm tra email, tìm kiếm thông tin cho công việc, gửi thông điệp tới khách hàng… họ sẽ gặp đôi chút rắc rối, lúc đó người trợ thủ sẽ giữ các mối kết nối thông suốt và hỗ trợ cho họ một cách tích cực.

Là những người luôn luôn bận rộn với các mối quan hệ, công việc, doanh nhân trẻ sẽ luôn cảm thấy khó có thể quán xuyến được hết các vấn đề ở bên ngoài cũng như bên trong công ty. Trong trường hợp vắng mặt dài ngày, họ sẽ cần có một người tin cậy để giúp giữ các kế hoạch chạy đúng tiến độ, doanh nghiệp vẫn duy trì được sự tập trung, ổn định cần thiết. Điều đó không đồng nghĩa là doanh nhân trẻ không giải quyết được các rắc rối nếu thiếu trợ thủ, nhưng sẽ thật khó để làm tốt các vấn đề đối ngoại hay thương thảo hợp đồng nếu họ bị phân tâm xử lý những chuyện ngoài lề như vậy.

Một trợ thủ có nhiều kinh nghiệm ứng phó với bất kì tình huống phát sinh, biết cách tổ chức, sắp xếp công việc khoa học luôn là người tin cậy cho doanh nhân trẻ. Người trợ thủ giỏi sẽ giúp họ ưu tiên thứ tự các công việc cần giải quyết trong ngày, trong tuần, theo tháng. Đến hẹn gặp đối tác với trang phục, thái độ như thế nào để tạo sự tự tin, trang trọng và phù hợp với không khí của buổi gặp gỡ. Họ là người quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất cho công việc của doanh nhân trẻ, khuyên bạn nên bắt đầu và kết thúc công việc vào lúc nào, thậm chí ngay cả việc thúc giục lãnh đạo của mình ăn trưa đúng giờ. Ngay cả khi diễn ra kì nghỉ của công ty, người trợ thủ tốt của doanh nhân trẻ vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi, họ vẫn tiếp tục làm việc và giúp doanh nhân duy trì nhịp độ công việc, cũng như tổ chức lịch làm việc ngay sau đó.

Đôi khi, các doanh nhân trẻ tham công tiếc việc hay thiếu tin tưởng trợ thủ của mình và can thiệp một cách thiếu tôn trọng vào công việc của họ sẽ khiến cho mọi việc rối tung lên. Điều này gây bất lợi trước tiên cho lợi ích của doanh nghiệp, sau đó ảnh hưởng đến tiến trình công việc và cuối cùng là gây ra sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai bên. Người trợ thủ đắc lực sẽ luôn cùng nhìn về một hướng với doanh nhân trẻ, nhưng với các kĩ năng và sự thành thạo về cuộc sống, họ sẽ có các ý kiến hợp lý, những lời khuyên hữu ích dành cho doanh nhân trẻ trong trường hợp có đôi chút khúc mắc trong cách giải quyết vấn đề. Đồng thời, họ luôn để mắt tới bất kì một hoạt động nào của doanh nhân trẻ để kịp thời điều chỉnh, tránh những kết quả không như mong muốn. Người trợ giúp chân thành luôn ở đằng sau hỗ trợ nhiệt thành và hết mình ủng hộ doanh nhân trẻ. Họ sẽ giúp doanh nhân trẻ giữ được trạng thái cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Những người trẻ tuổi luôn tiến về phía trước với tốc độ nhanh và không kịp quan sát, nắm bắt những gì đang diễn ra.

Khi nào thì doanh nhân trẻ biết được rằng đã tìm đúng người giúp mình, có vài điểm đáng lưu tâm như quan điểm, thái độ, kĩ năng tổ chức hành chính và quản lý thời gian, khả năng làm việc theo nhóm. Doanh nhân trẻ rất cần nắm rõ người trợ lý có suy nghĩ nghiêm túc, tích cực về trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình hay không. Họ có khả năng để theo kịp tiến trình cũng như cường độ làm việc của doanh nhân không, có sự am hiểu về lĩnh vực mà doanh nghiệp đang làm hay là kĩ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ rộng rãi, giải quyết những vướng mắc nhanh nhẹn và gọn gàng không. Tất cả những yếu tổ này phải hội tụ đầy đủ thì doanh nhân trẻ mới có thể an tâm rằng mình đã chọn lựa thành công một trợ thủ, hơn thế nữa là một người bạn đồng hành tin cậy trong công việc.

( Nguồn: saga.vn )

28 thg 2, 2010

Nghề Quản lý nhân sự - Thấu hiểu từng con người trong tổ chức

Thu hút và giữ chân những nhân viên có đủ tiêu chuẩn nhất và sắp xếp những công việc thích hợp nhất với họ là một điều hết sức quan trọng đối với bất kỳ một tổ chức nào. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quá lớn không thể cho phép sự liên hệ gần gũi giữa cấp lãnh đạo cao nhất của công ty với nhân viên được. Và khi đó, nhân viên quản lý nhân sự sẽ có nhiệm vụ làm cầu nối cho vấn đề này.

Quản lý nhân sự là gì?

Nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp hay tổ chức. Do đó việc khai thác tốt nguồn lực này để phục vụ phát triển doanh nghiệp và xã hội là một vấn đề quan trọng trong việc quản lý các tổ chức và doanh nghiệp. Việc quản lý nguồn lực đòi hỏi sự hiểu biết về con người ở nhiều khía cạnh, và quan niệm rằng con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển. Các kỹ thuật quản lý nhân lực thường có mục đích tạo điều kiện để con người phát huy hết khả năng tiềm ẩn, giảm lãng phí nguồn lực, tăng hiệu quả của tổ chức.

Quản lý nhân sự hay quản lý nguồn nhân lực là sự khai thác và sử dụng nguồn nhân lực của một tổ chức hay một công ty một cách hợp lý và hiệu quả.

Quản lý nhân sự có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực, không riêng gì trong sản xuất kinh doanh.

Nhiều vị trí dành cho bạn trong lĩnh vực mới này

Trong một tổ chức, công ty nhỏ thì trưởng bộ phận quản lý nhân sự có thể phải giải quyết tất cả mọi khía cạnh về công việc nhân sự. Nó đòi hỏi người phụ trách công việc này phải có một vốn kiến thức khá rộng. Trách nhiệm của trưởng phòng quản lý nhân sự khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của công ty. Trong một tập đoàn lớn thì ban quản lý nhân sự hàng đầu thông thường phát triển và quản lý các chương trình, chính sách về nguồn nhân lực của công ty. Những chính sách này thường được thực thi bởi giám đốc hoặc người quản lý nhân sự, trong một vài trường hợp là giám đốc của các ngành có liên quan.

Giám đốc nhân sự có thể giám sát một vài bộ phận. Mỗi người giám sát mỗi bộ phận như vậy phải là người có kinh nghiệm quản lý và có chuyên môn về một lĩnh vực hoạt động của quản lý nhân sự, ví dụ như mảng việc làm, mảng bồi thường, lợi ích, đào tạo và phát triển, hay các mối quan hệ trong nhân viên.

Nhân viên tuyển dụng thực hiện các công việc như tuyển nhân viên và sắp xếp công việc, phân chia việc làm cho nhân viên. Người tuyển dụng duy trì mối liên hệ trong cộng đồng từ các trường cao đẳng cho đến đại học để tìm ra những ứng cử viên triển vọng cho công việc. Họ có thể phải di chuyển rất nhiều. Nhân viên tuyển dụng phải sàng lọc, phỏng vấn, và đôi khi phải kiểm tra các ứng cử viên. Những nhân viên này cũng giải quyết những vấn đề liên quan đến sự công bằng về quyền lợi giữa các nhân viên hoặc cơ hội thăng tiến của nhân viên trong những tổ chức lớn. Họ kiểm tra và giải quyết những phàn nàn, kiểm tra và kết hợp các nguyên tắc để đưa ra sự can thiệp cần thiết, đồng thời họ cũng biên soạn và trình những bản báo cáo thống kê về vấn đề này.

Tương tự như vậy, phỏng vấn viên là người giúp kết nối các yêu cầu của công ty với những người tìm việc đủ tiêu chuẩn.

Nhân viên lương thưởng và phúc lợi quản lý hệ thống tiền lương, các khoản tiền liên quan đến thu nhập của người lao động. Họ lập kế hoạch chăm lo phúc lợi và đời sống nhân viên, quản lý hợp đồng lao động, hồ sơ nhân viên. họ thường quản lý hệ thống đánh giá hoạt động của công ty, thiết kế chế độ khen thưởng như tiền thưởng cho các kế hoạch hoạt động thành công, hoàn thành công việc xuất sắc, … Tất cả những công việc của họ đều nhằm đảm bảo tính công bằng về quyền lợi của người lao động trong công ty với nhau, ngữa công ty họ với công ty khác, và phù hợp với quy định lương thưởng và phúc lợi của Nhà nước.

Nhân viên quản lý về lương bổng của nhân viên là những người quản lý các chương trình về lương bổng của nhân viên công ty, đặc biệt là về bảo hiểm sức khỏe và trợ cấp lương hưu.

Chuyên gia phân tích công việc phân tích công việc, thực hiện chỉ đạo các chương trình cho các công ty và có thể chuyên về những lĩnh vực chuyên môn như phân loại vị trí công việc. Họ thu thập và kiểm tra những thông tin chi tiết về yêu cầu công việc để chuẩn bị cho bản miêu tả công việc. Bản miêu tả công việc sẽ giải thích về những nhiệm vụ, đào tạo và kỹ năng mà từng công việc yêu cầu. Mỗi khi công ty lớn đưa ra một công việc mới và xem xét lại những công việc đang có thì công ty sẽ phải nhờ đến kiến thức chuyên môn của các nhà phân tích công việc.

Chuyên gia phân tích ngành nghề thường là ở các công ty lớn. Họ thường quan tâm đến các hệ thống phân loại ngành nghề và nghiên cứu những ảnh hưởng của ngành và các xu hướng ngành nghề đến mối quan hệ giữa nhân viên và công ty (việc ở lại hay ra đi của nhân viên trong công ty). Họ cũng có thể làm các việc liên lạc thuộc kỹ thuật giữa công ty của họ với các công ty khác, với chính phủ và liên đoàn lao động.

Nhân viên quản lý dự án, hỗ trợ nhân viên, còn được gọi là quản lý phúc lợi nhân viên là những người chịu trách nhiệm về rất nhiều chương trình bao gồm từ an toàn nghề nghiệp, tiêu chuẩn và thực tiễn về sức khỏe, kiểm tra y tế và chữa bệnh, các hoạt động trợ giúp, an toàn máy móc, xuất bản, dịch vụ lương thực thực phẩm, và nghỉ ngơi giải trí. Ghi nhận những đề xuất của nhân viên, chăm sóc cho trẻ em và người già, các dịch vụ hướng dẫn…

Nhân viên quản lý về đào tạo huấn luyện và phát triển: chỉ đạo và giám sát các chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên.

Chuyên gia đào tạo huấn luyện nhân viên: đặt ra kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo rất nhiều hoạt động đào tạo. Những người huấn luyện tư vấn cho các giám sát viên ở nơi làm việc về tăng hiệu quả làm việc và chỉ đạo các buổi giới thiệu định hướng, sắp xếp các đợt huấn luyện về công việc cho nhân viên mới. Họ cũng giúp nhân viên duy trì và nâng cao những kỹ năng trong công việc, chuẩn bị cho những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Họ giúp cho các giám sát viên nâng cao kỹ năng giao tiếp giữa người và người để làm việc hiệu quả với nhân viên. Họ có thể thiết lập các kế hoạch đào tạo cá nhân để củng cố thêm những kỹ năng đã có của nhân viên hoặc dạy cho người mới…

Trên đây là những vị trí phổ biến trong lĩnh vực quản lý nhân sự - 1 ngành nghề đang lên hiện nay và có nhu cầu tuyển dụng không thấp. Có rất nhiều vị trí tiềm năm phù hợp với khả năng, tố chất của từng bạn.

Những điều kiện để thành công trong nghề quản lý nhân s

Khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như ngày nay, quản lý nhân sự đang trở thành một trong những ngành hấp dẫn thu hút được nhiều nhân tài. Vậy những yếu tố nào là cần thiết để gia nhập lĩnh vực này?

Chìa khoá dẫn đến thành công trong ngành quản lý nhân sự là khả năng đánh giá và sự suy xét thận trọng. Bạn phải là người đáng tin cậy vì bộ phận quản lý nhân sự là nơi nắm rõ thông tin về nhân viên hơn bất kì bộ phận nào khác. Ở đây, nguyên tắc bảo mật được đặt lên hàng đầu. Những thông tin mật như nhân viên nào sẽ được thăng chức hay bị sa thải, lương tháng hay bản đánh giá công việc của các nhân viên đều được giữ kín.

Để làm việc được trong lĩnh vực quản lý nhân sự, bạn phải là người của mọi người - cư xử đúng mực và luôn biết lắng nghe. Hàng ngày bạn tiếp xúc với bao con người với từng ấy tính cách khác nhau, nếu không tỏ ra khôn khéo và quảng giao thì có lẽ quản lý nhân sự không phải là mảnh đất thăng hoa của bạn.

Ngoài ra, thấm nhuần văn hoá công ty, thiết lập và duy trì tốt các mối quan hệ, sử dụng và điều phối nhân lực hiệu quả cũng là những yếu tố kết tinh cho con đường phát triển của các nhà quản lý nhân sự.

Kĩ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập cũng là những kĩ năng cần thiết cho nghề quản lý nhân sự.

Không chỉ quan trọng trong lĩnh vực quản lý nhân sự nói riêng, các kĩ năng trên cũng là kim chỉ nam dẫn đến thành công trong nhiều ngành nghề khác. Cánh cửa quản lý nhân sự đang rộng mở chờ đón những tài năng không ngại khó và biết đón đầu thách thức.

Học Quản lý nhân sự ở đâu?

Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chưa có trường Đại học, Cao đẳng nào đào tạo nghề quản lý nhân sự.
Các bạn có thể theo học các ngành học có liên quan về nghiệp vụ quản lý ở các trường ĐH Kinh tế, KHXH&NV, Ngoại thương…

Related Posts with Thumbnails

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More