MY' HISTORY ...

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY ...

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY ...

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

MY'S HISTORY

Sống - khát vọng để thấy đời mênh mông hơn!

20 thg 4, 2010

8 lỗi cơ bản khi lên kế hoạch kinh doanh

Chắc hẳn không ai lạ lẫm với việc lên kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, với một việc tưởng chừng khá phổ biến như vậy vẫn còn khá nhiều sai sót mà nhiều người không chú ý tới. Vietnamlearning xin cung cấp 8 lỗi cơ bản trong việc lập kế hoạch kinh doanh để các bạn tham khảo và có thể loại bỏ các sai sót này trong quá trình đó:

1. Lần lữa trong việc lập kế hoạch

Không nên chờ đợi cho tới khi bạn bắt buộc phải lên kế hoạch kinh doanh. Bởi trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp chỉ lập kế hoạch khi bị ngân hàng hoặc các nhà đầu tư thúc ép.


Đừng chờ đợi cho tới khi bạn có thời gian rảnh để làm việc đó. Nhiều doanh nhân từng than thở “Tôi không có thời gian rảnh để lên kế hoạch”. Công việc của bạn càng bận rộn, bạn càng phải chú tâm cho việc lên kế hoạch. Bởi kế hoạch có thể giúp cho mọi công việc được tiến hành một cách trôi chảy, không bị chồng chéo lên nhau ở những thời điểm mà bạn cần phải giải quyết nhiều việc cùng một lúc.

2. Dòng tiền được vận hành không hợp lý

Dòng tiền có vai trò quan trọng hơn so với doanh số, lợi nhuận hoặc bất kỳ điều gì trong một kế hoạch kinh doanh. Bởi khi kinh doanh, phần lớn mọi người chỉ chú ý tới lợi nhuận chứ ít khi quan tâm tới sự vận hành của dòng tiền. Điều này cũng dễ hiểu bởi công thức kinh doanh mà chúng ta được học là doanh số - (giá thành + chi phí) = lợi nhuận. Nhưng suy nghĩ đó thật sai lầm vì chúng ta không thể sử dụng lợi nhuận trong kinh doanh, thứ mà chúng ta dùng chính là tiền mặt. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rất rõ về cách vận hành của dòng tiền. Nếu bạn chỉ đưa một bảng dữ liệu vào kế hoạch kinh doanh, hãy đưa vào đó bảng vận hành của dòng tiền mặt.

3. Lạm dụng ý tưởng

Kế hoạch không bán được các ý tưởng cho các nhà đầu tư và các nhà đầu tư chỉ rót tiền cho người thực hiện kế hoạch. Vì thế, hãy coi kế hoạch chỉ là một cách để trình bày thông tin cần thiết mà thôi.

Không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của ý tưởng. Bạn không cần phải có ý tưởng đặc biệt khi bắt đầu kinh doanh, những gì mà bạn cần là thời gian, tiền, sự kiên trì, kinh nghiệm …. Có rất ít doanh nghiệp thành công được mà chỉ dựa trên các ý tưởng mới. Bạn sẽ khó bán ý tưởng mới hơn so với một ý tưởng hiện có, bởi các nhà đầu tư không hiểu hết và họ cũng không chắc chắn rằng ý tưởng mới đó liệu có thành công hay không.

4. Sợ phải làm kế hoạch

Việc lập kế hoạch không phức tạp như bạn tưởng bởi đó không phải là một cuốn tiểu thuyết hay một tác phẩm mang tính triết lý nào cả. Bạn có thể tham khảo trong sách, xin ý kiến của các chuyên gia, sử dụng các mẫu có sẵn trong các phần mềm chuyên nghiệp (VD: Business Plan Pro), hoặc tham gia một lớp ngắn hạn nào đó.

5. Đưa ra các mục tiêu không chặt chẽ và rõ ràng

Cần loại bỏ việc sử dụng các cụm từ thiếu chiều sâu và hào nhoáng bởi người đọc sẽ nhận thấy sự thổi phồng quá mức đối với kế hoạch của bạn. Cần nhớ rằng mục tiêu của một kế hoạch chính là kết quả, trong đó bạn là người lập và theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch đó. Bạn cần cung cấp thời gian cụ thể, trách nhiệm quản lý, ngân sách và các mốc để hoàn thành. Một kế hoạch có thể được trình bày một cách thuyết phục nhưng vẫn là vô nghĩa nếu không mang lại kết quả nào.

6. Lập kế hoạch một cách dập khuôn và máy móc

Bạn cần phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với mục đích kinh doanh thực tế. Bởi kế hoạch kinh doanh mang một ý nghĩa khá đa dạng, bao gồm: hợp đồng kinh doanh với một doanh nghiệp khác, kế hoạch hành động chi tiết, kế hoạch tài chính, kế hoạch quảng bá hoặc cũng có thể là kế hoạch cá nhân.

7. Đặt ưu tiên cho quá nhiều việc

Cần nhớ rằng một chiến lược cần có sự tập trung. Do đó, một danh sách ưu tiên có từ 3-4 mục là có sự tập trung. Nhưng nếu danh sách đó có tới 20 mục ưu tiên, đó chắc chắn không được gọi là một kế hoạch chiến lược bởi thiếu đi tính tập trung, vì vậy sẽ không có hiệu quả.

8. Lập kế hoạch phát triển theo kiểu đột phát

Đối với loại kế hoạch kiểu này, bạn sẽ không có khả năng ứng phó khi sảy ra các yếu tố ngoài dự liệu. Do đó, khi bị thất bại bạn sẽ rất nản lòng và khó duy trì được niềm tin để tiếp tục.

Nguồn: vietnamlearning.vn

Những yếu tố tạo nên động cơ làm việc cho nhân viên

Đã bao giờ bạn thử tìm hiểu xem liệu có ai trong công ty của bạn luôn hoạt động tích cực, thực thi công việc với hiệu quả cao và lòng nhiệt tình của anh ta nhiều hơn của tất cả những nhân viên khác cộng lại?. Có lẽ người đó chính là bạn! Bạn đã từng tự hỏi tại sao người khác không có động cơ làm việc như bạn chưa? Xét cho cùng, bạn không hề yêu cầu họ đi làm sớm 2 giờ hay về muộn hơn 2 giờ, mà tất cả những gì bạn muốn ở họ làm là cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng, mỉm cười với khách hàng thay vì cau có và đừng kêu ca quá nhiều. Bạn không hiểu tại sao bạn dành cho nhân viên chế độ đãi ngộ lý tưởng với bảo hiểm y tế, chính sách nghỉ hưu, nghỉ phép hàng năm…, mà họ vẫn chỉ làm việc cầm chừng.

Thế đấy, bạn phát hiện ra rằng các chế độ phúc lợi, thậm chí cả biện pháp tăng lương, cũng không phải là những yếu tố tạo động lực làm việc có hiệu quả đối với nhân viên. Tất cả những điều đó (phúc lợi, nghỉ phép, lương bổng…) chỉ là sợi dây xích để giữ chân nhân viên chứ không phải là động cơ thúc đẩy họ làm việc tốt hơn (các công ty thường sử dụng những phúc lợi này để thu hút những nhân viên tài năng, vì thế nhân viên càng quan trọng đối với công ty thì chế độ phúc lợi dành cho họ càng trở nên hậu hĩnh). Ngay cả những biện pháp “lên giây cót tinh thần” nho nhỏ như Bottom of Form

cho phép nhân viên tự do sử dụng xe của công ty vào những ngày cuối tuần hay thết đãi nhân viên bánh pizza vào mỗi chiều thứ sáu cũng không thể tạo ra động lực làm việc cho nhân viên. Những biện pháp này chỉ có tác dụng làm cho nhân viên cảm thấy phần nào hài lòng về nơi họ làm việc mà thôi.

Những cách thức trên đây không làm tăng động cơ làm việc của nhân viên, bởi vì chúng không trực tiếp gắn liền với việc gia tăng hiệu quả hoạt động. Một nhân viên có tinh thần tốt chưa hẳn là một nhân viên có động lực làm việc tốt. Chẳng hạn, một nhân viên dành một hoặc hai giờ mỗi ngày cho các công tác xã hội có thể có tinh thần rất tốt, nhưng lại có mức năng suất làm việc thấp nhất so với bất kỳ nhân viên nào trong cùng bộ phận.

Nếu vậy thì cái gì sẽ tạo ra động cơ làm việc cho nhân viên? Trước khi trả lời câu hỏi đó, bạn hãy trả lời câu hỏi sau đây: Để tạo động cơ thúc đẩy nhân viên làm việc, bạn sẽ thay đổi bản thân nhân viên hay bộ phận nơi nhân viên làm việc?

Như bạn biết đấy, nhân viên nói chung có động cơ làm việc một cách tự nhiên. Động cơ này bắt nguồn từ một thực tế là mọi người đều mong muốn được khẳng định bản thân, được thành đạt, được tự chủ và có thẩm quyền đối với công việc của mình, cũng như muốn có thu nhập đảm bảo cuộc sống cá nhân sung túc. Tất cả những gì mà bạn cần làm là khai thác khả năng bẩm sinh của họ, điều mà bạn có thể thực hiện dễ dàng mà không tốn một xu nào. Bước đầu tiên là bạn phải loại trừ những hoạt động tiêu cực có thể triệt tiêu động cơ làm việc tự nhiên của họ. Bước thứ hai là phát triển những yếu tố thực sự có thể thúc đẩy tất cả nhân viên làm việc. Bằng cách đó, bạn sẽ tận dụng được động cơ thúc đẩy làm việc tự nhiên của nhân viên.

Dưới đây là 10 nhân tố có thể triệt tiêu động cơ làm việc của nhân viên.

- Gây không khí làm việc căng thẳng trong công ty.

- Đặt ra những đòi hỏi không rõ ràng đối với hoạt động của nhân viên.

- Soạn thảo quá nhiều qui định không cần thiết buộc nhân viên thực hiện.

- Yêu cầu nhân viên tham dự những cuộc họp không hiệu quả.

- Làm gia tăng sự đua tranh nội bộ giữa các nhân viên.


- Che giấu những thông tin quan trọng liên quan đến công việc của nhân viên.

- Chỉ trích chứ không góp ý xây dựng.

- Nhân nhượng đối với những cá nhân làm việc không hiệu quả, vì thế những nhân viên làm việc hiệu quả cảm thấy bị lợi dụng.

- Đối xử không công bằng với các nhân viên.

- Sử dụng lao động chưa phù hợp với trình độ của nhân viên.

Còn dưới đây là ví dụ về các nhân tố có thể tạo động cơ làm việc thật sự giúp nhân viên phát huy khả năng của họ.

- Nếu nhân viên của bạn phải làm một công việc đơn điệu và nhàm chán, bạn hãy tìm cách bổ sung thêm cho họ một chút hài hước và sự đa dạng.

- Cho phép nhân viên tự do chọn lựa cách thực hiện công việc của họ.

- Khuyến khích việc chịu trách nhiệm cá nhân, đồng thời tạo ra các cơ hội thăng tiến trong công ty.

- Đẩy mạnh việc giao lưu và hoạt động đội nhóm.

- Tránh những chỉ trích cá nhân gay gắt.

- Cho phép nhân viên chủ động trong công việc.

- Thiết lập các mục tiêu và nhiệm vụ mang tính thách thức cho tất cả nhân viên.

- Xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá phản ánh được sự gia tăng hiệu quả hoạt động.

Bằng cách loại ra những yếu tố triệt tiêu động cơ làm việc và thêm vào những yếu tố thúc đẩy động cơ làm việc, bạn sẽ gợi mở được những mong muốn tự nhiên của nhân viên để họ làm việc với động cơ và hiệu quả cao nhất. Và đây là những mong muốn đó:

- Mong muốn hoạt động.

- Mong muốn sở hữu.

- Mong muốn quyền lực.

- Mong muốn khẳng định.

- Mong muốn thu nhập đảm bảo cuộc sống sung túc.

- Mong muốn thành đạt.

- Mong muốn được thừa nhận.

- Mong muốn làm được việc có ý nghĩa.

Mọi việc chỉ đơn giản như vậy thôi. Hãy nhớ, bạn đừng cố gắng thay đổi từng cá nhân một, mà hãy thay đổi cả công ty của bạn bằng cách giảm bớt những yếu tố triệt tiêu động cơ làm việc và gia tăng những yếu tố thiên bẩm của nhân viên để họ tự thúc đẩy chính mình.

Những dấu hiệu cảnh báo mà nhà quản lý cần xem xét để thay đổi mô hình kinh doanh

Hiện nay, việc thay đổi mô hình kinh doanh không còn là vấn đề khó khăn như trước đây, tuy nhiên vẫn để chuyển đổi sang một loại hình kinh doanh mới cũng không phải là một vấn đề dễ dàng. Vì vậy, bạn có thể căn cứ vào mười dấu hiệu sau đây để xác định liệu đã đến thời điểm cần thay đổi mô hình kinh doanh hay không:

1. Các chiến lược kinh doanh của bạn liên tục bị thay đổi bởi các yêu cầu giảm giá và phản ứng bởi khách phản ứng đối với việc phải trả thêm phụ phí cho những dịch vụ gia tăng của khách hàng.

Điều gì làm nên sự khác biệt trong sản phẩm/dịch vụ của bạn? Các khách hàng có thường xuyên nói với bạn rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền để có được dịch vụ gia tăng tốt hơn không? Nếu có sự mập mờ giữa giá cả và “dịch vụ chăm sóc khách hàng”, nếu coi chúng chỉ là những chỉ số phân biệt sản phẩm/dịch vụ của bạn với đối thủ cạnh tranh, thì sản phẩm của bạn đã đến lúc phải tìm ra một phương thức kinh doanh mới.

2. Các khách hàng đang tìm kiếm một mặt hàng khác thay thế cho sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Nếu bạn đang mất đi một lượng lớn khách hàng trung thành, bạn phải nhanh chóng tìm ra lý do dẫn đến tình trạng này. Việc thuê một nhà nghiên cứu độc lập để gặp gỡ, phỏng vấn và điều tra khách hàng nhằm tìm ra lý do họ quyết định từ bỏ sản phẩm/dịch vụ của bạn là một cách cần làm ngay. Liệu mặt hàng thay thế mà khách hàng lựa chọn có dễ sử dụng hơn không, có tiết kiệm thời gian hơn hoặc rẻ hơn không? Liệu lý do đó có xuất phát từ tâm lý ham rẻ? từ nhu cầu phải đảm bảo sự an toàn hay vì một lý do đặc biệt nào đó?

3. Lợi nhuận kinh doanh giảm sút do tăng chi phí đầu vào.

Nếu những chi phí đầu vào tăng quá cao so với tốc độ tăng của giá thành, thì lúc này cần xem xét lại những hợp đồng kinh doanh mà công ty bạn đã ký kết, để tính toán lại hiệu quả kinh doanh. Nếu cần thiết, có thể thuyết phục đối tác cùng ngồi vào bàn đàm phán.

4. Những công ty mới ra đời kinh doanh cùng loại sản phẩm/dịch vụ với bạn áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn.

Hãy xem trường hợp những nhà sản xuất ô-tô một thời là niềm kiêu hãnh thống trị của nền công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng một thập kỷ qua, “Big 3” đã nhanh chóng bị đánh bại bởi Toyota & Honda trong cuộc cách mạng ô-tô sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và sạch. Hãng Big 3 đã bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh do chậm chạp và không theo kịp sự đổi mới.

5. Bạn từ chối áp dụng công nghệ mới ngay cả khi được khách hàng yêu cầu.

Cái giá bạn phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều lần số tiền mà bạn đầu tư thay đổi công nghệ và áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, đặc biệt khi sự thay đổi đó xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự thay đổi thị hiếu của khách hàng. Mercedes là một trong số những ví dụ minh chứng cho việc chậm đổi mới theo thời cuộc. Khi mà cuối năm 2005, nhiều khách hàng muốn tìm kiếm trên thị trường một loại xe mới và việc sản xuất các loại xe có thể sử dụng nhiên liệu thay thế đã được nhiều hãng sản xuất xe hơi quan tâm, thì trong chiến lược kinh doanh của Mercedes không hề mảy may đề cập đến vấn đề này. Thậm chí, nhà quản lý một đại lý xe ô-tô hiệu Mercedes khi được khách hàng hỏi: “Mercedes-Benz có chiến lược sản xuất các loại xe sử dụng nhiên liệu thay thế không?”, đã trả lời chắc như đinh đóng cột rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược sản xuất ô-tô sử dụng nhiên liệu truyền thống trong nhiều năm nữa.

Công ty bạn có đang theo đuổi một chiến lược kinh doanh mù quáng kiểu đó không? Nếu bạn nhận ra được xu hướng của thị trường và kịp thời thay đổi theo nó càng sớm, thì lợi ích mà bạn gặt hái được sẽ càng nhiều.

6. Những nhà lãnh đạo chủ chốt trong công ty bạn không muốn thay đổi cách làm việc để phù hợp với thời đại mới.

Cách suy nghĩ của mỗi cá nhân trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động kinh doanh thường mang tính độc lập và khó có sự can thiệp từ bên ngoài khiến họ thay đổi cách nghĩ và cách làm. Khi một nhà lãnh đạo nhất quyết không thay đổi phương thức kinh doanh đã bị coi là lạc hậu, thì tính kiên định trong trường hợp này trở thành yếu tố khiến công ty dễ bị bán hoặc sáp nhập.

Nếu công ty bạn đang phải đứng trước những sự lựa chọn hoặc phải bán, hoặc phải sáp nhập, hoặc phải chấp nhận đổi mới, những dấu hiệu dưới đây cho thấy đội ngũ lãnh đạo hiện tại của bạn chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi mang tính chiến lược trong kinh doanh:

- Khách hàng yêu cầu để tránh những tổn thất không cần thiết, hai đối thủ cạnh tranh nên liên minh và liên kết, biến thù thành bạn, cùng nhau chia sẻ thị trường, nhưng cả hai công ty không sẵn lòng làm điều đó.

- Những người lãnh đạo vẫn dung túng và không cương quyết đối với những hành vi gây tổn hại đến công việc.

- Những người sáng lập công ty không dám quyết để thực hiện một chiến lược kinh doanh mà khả năng thành công là chắc chắn. Họ phân vân, do dự vì nếu thực hiện nó sẽ ảnh lợi ích của nhân viên hay làm thay đổi chế độ hưu trí...

- Công ty không đạt được mục tiêu như đã dự kiến sau vài năm liên tục

7. Bạn cho rằng sự tăng trưởng và các suy tính chiến lược chỉ dành cho các công ty lớn.

Đã bao nhiêu lần bạn tự bảo rằng cần “lập kế hoạch và tầm nhìn chiến lược kinh doanh là quan trọng” nhưng bạn lại chần chừ vì nó sẽ ngốn của bạn rất nhiều thời gian. Nếu điều đó tiếp diễn hết ngày này qua ngày khác mà bản kế hoạch và chiến lược kinh doanh vẫn chỉ là ý tưởng, thì công ty bạn đang trong tình thế nan giải. Như vậy, tự bạn sẽ đánh mất niềm tin vào bản thân và rất đáng tiếc nếu sự mất niềm tin đó được truyền sang đội ngũ nhân viên của bạn.

8. Bạn đang đấu tranh để chuyển đổi từ mô hình lãnh đạo thực tiễn sang mô hình lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.

Những thói quen và kỹ năng lúc đầu đã giúp nhà lãnh đạo kiếm được hàng triệu đô-la, nhưng sau đó chính chúng lại ngăn cản họ kiếm được gấp 10 lần như thế nữa. Rất nhiều chuyên gia giỏi sau một thời gian làm việc cho công ty kinh doanh nào đó, đã quyết định ra ngoài thành lập một công ty riêng giống như công ty mà họ đã làm việc. Sau một thời gian kiếm được chút ít tiền bạc, họ vẫn tiếp tục đi theo lối mòn cũ. Điều này giới hạn khả năng đổi mới chiến lược tăng trưởng trong tương lai.

9. Bạn liên tục áp dụng những ý tưởng thú vị (ví dụ những dự án và ý tưởng mới).

Khi nhà lãnh đạo liên tục đưa ra những kế hoạch và chiến lược mới, đội ngũ nhân viên sẽ mất phương hướng. Họ rất khó khăn để hiểu “Cái gì là quan trọng nhất trong công việc kinh doanh hiện tại của công ty? Nhân viên cần tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào? Công việc mà họ đang làm có góp phần mang lại sự thành công chung của công ty không? Nếu chỉ nhìn bề ngoài của các ý tưởng mà không biết phân tích lợi hại, tính hiệu quả khi áp dụng ý tưởng đó vào kinh doanh, nhà lãnh đạo sẽ trở thành kẻ đầu tiên phá hoại những thành quả mà họ đã biết bao công sức xây đắp nên.

10. Bạn tiếp tục kinh doanh và đầu tư vào những sản phẩm không mang lại lợi nhuận.

Rất nhiều nhà sáng lập đã gắn bó tình cảm sâu sắc với lịch sử thành công trong quá khứ. Đó là tình cảm tự nhiên của con người, giống như cách mà bạn thương yêu con cái và không muốn rời xa chúng.

Tuy nhiên, tình yêu rất dễ biến thành sự mù quáng và ngăn cản bạn tập hợp những phản hồi thường xuyên từ thị trường, và tận dụng những cơ hội mới trong kinh doanh. Đó chính là khi cần phải lựa chọn và giao phó những dự án mới cho những người có khả năng thực hiện tốt hơn. Hay là việc ngừng bán những sản phẩm hiện không còn thu được lợi nhuận. Những hành động tiếc nuối lúc này sẽ bỏ lỡ cơ hội xâm nhập vào một thị trường mới có lợi nhuận cao hơn.

Nếu bạn gặp phải một trong mười điều trên thì đó là dấu hiệu báo cho bạn biết đã đến thời điểm phải chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình. Vì vậy, hãy lựa chọn những bước đi tiếp theo đúng đắn cho hoạt động kinh doanh của bạn.

7 phương pháp hiệu quả để khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên

Trong thời điểm nền kinh tế của cả thế giới đang chao đảo như hiện nay, hầu hết người lao động đều có tâm lý không ổn định khi làm việc. Vì thế, ở vào vị trí của người lãnh đạo, đây cũng là cơ hội và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo đưa ra những chính sách để khích lệ tinh thần của nhân viên. Nhằm cung cấp những thông tin tham khảo có giá trị, Vietnamlearning xin giới thiệu 7 phương pháp cơ bản được đúc rút từ kinh nghiệm của một số nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới. Bạn có thể áp dụng riêng từng phương pháp hoặc áp dụng kết hợp cả 7 phương pháp để đạt được kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.

1. Bày tỏ sự chân thành

Hãy gác công việc và vai trò quản lý của bạn sang một bên. Chia sẻ với các nhân viên trong công ty của bạn về những mặt còn hạn chế của bạn. Hãy bày tỏ một cách chân thành với họ rằng bạn cần họ để cùng vượt qua những thời điểm khó khăn của công ty.

2. Cùng chung giấc mơ với nhân viên

Hãy tận dụng những thời điểm khó khăn để đưa ra các mong muốn và mơ ước của bạn. Hãy nói với họ rằng bạn cam kết sẽ đi cùng họ tới những nơi mà họ muốn tới. Cần sáng tạo và linh hoạt trong việc kết nối những nhiệm vụ ngày hôm nay của họ với những giấc mơ của ngày mai.

3. Khám phá những khả năng tiềm ẩn của nhân viên, điều mà chính họ cũng không nhận thức được


Hãy dành thời gian để quan sát và phân tích và tìm kiếm nhân tài ngay trong những nhân viên xung quanh bạn. Phương pháp này chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu bạn dành tâm sức cho nó. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần chia làm ba bước: chủ tâm quan sát, xác định và khuyến khích sự phát triển của tài năng đó. Khi bạn đã xác định được tài năng hay năng lực tiềm tàng của một nhân viên, hãy cho họ biết về điều đó một cách thật cụ thể. Ví dụ, bạn không nên nói là “Tôi thấy anh/chị là một nhân viên thật chăm chỉ”, mà bạn hãy nói rằng “Tôi thấy rằng anh/chị sắp xếp công việc rất chuẩn xác hoặc Tôi nhận thấy rằng anh/chị là người phù hợp nhất với công việc đó”. Hãy tạo mọi điều kiện về cơ hội việc làm và đào tạo để hỗ trợ cho việc phát triển nhân tài đó.

4. Hãy nói và sống đúng với sự tín nhiệm của nhân viên

Tôi muốn đề cập tới phương pháp này như một nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của vai trò quản lý và lãnh đạo. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn nói “Chúng ta cùng tìm kiếm các cơ hội ở phía trước” trong khi cả cách sống và làm việc của bạn đều ngập ngừng, sợ hãi và không dám đột phá trong những thời điểm khó khăn.

5. Hãy truyền cảm hứng cho nhân viên bằng câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng

Phương pháp này có thể coi là một nghệ thuật về kể chuyện. Điều cần nhấn mạnh ở đây là các bài học rút ra được từ những câu chuyện đó. Hãy cuốn hút nhân viên vào các câu chuyện như vậy và sử dụng chúng như một phương tiện để truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên.

6. Sử dụng nguyên tắc “Sống là phải có niềm tin” để khuyến khích tinh thần của nhân viên

Luôn nhắc nhở họ rằng những khó khăn trong công việc chỉ là một phần trong cuộc sống của họ mà thôi. Mặc dù, những vấn đề đó là quan trọng nhưng không phải là tất cả trong cuộc sống của họ. Hãy khuyến khích họ viết ra những ý tưởng về cuộc sống và công việc của họ. Nếu áp dụng hiệu quả phương pháp này, chắc chắn tinh thần của nhân viên trong công ty sẽ được cải thiện đáng kể trong những thời điểm khó khăn của công ty.

7. Tạo ra văn hóa của nguồn cảm hứng trong công ty

Việc khơi dậy niềm cảm hứng làm việc thông qua sự phát triển con người sẽ mang lại những kết quả không ngờ cho cả nhà đầu tư, khách hàng và ngay chính cả nhân viên của bạn. Phương pháp khơi dậy nguồn cảm hứng làm việc vào một thời điểm thích hợp sẽ thay đổi toàn bộ văn hóa làm việc trong công ty của bạn. Một công ty tràn đầy cảm hứng làm việc sẽ dễ dàng thu hút và giữ chân được các nhân tài, đồng thời cũng duy trì được mối quan hệ lâu dài với các khách hàng.


Nguồn: vietnamlearning.vn

3 yếu tố cơ bản để tổ chức thành công một cuộc họp

Họp là nơi để trao đổi và bàn bạc vì vậy thường có không khí trang trọng. Nếu cuộc họp không được chuẩn bị chu đáo sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn và lãng phí thời gian. Do đó, người điều hành cuộc họp cần có những kỹ năng cơ bản nhất về cách thức để tổ chức một cuộc họp thành công. Vietnamlearning xin đưa ra 3 yếu tố cơ bản mà bạn cần thực hiện để đạt được những kết quả tốt nhất


Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho buổi họpĐa phần các trao đổi diễn ra trong hoặc bên lề cuộc họp đều mang tính tự phát. Quy trình của một cuộc họp thường diễn ra theo một chương trình thảo luận cơ bản. Bên cạnh đó, để đạt được sự thống nhất ý kiến khi kết thúc cuộc họp là một điều cũng không dễ dàng . Bởi vậy hai điều quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị cho một cuộc họp là: Đặt ra các mục tiêu rõ ràng và cụ thể hóa những vấn đề cần đàm thảo.


Khi một cuộc họp được tiến hành bạn cần nhìn ra ngay mục tiêu cốt lõi của nó. Đôi khi các vấn đề có thể được giải quyết mà không cần đến một cuộc họp do vậy trước hết bạn hãy quyết định tính chất cần thiết phải có một cuộc họp. Thông thường chúng ta cần đến một cuộc họp khi các vấn đề cần giải quyết bằng tư duy, khi cập nhật thông tin mới hoặc khi cần tổng hợp thông tin

Vấn đề cần bàn bạc chính là cốt lõi của cuộc họp. Người điều hành chủ yếu dựa vào yếu tố này để xây dựng đề cương cho cuộc họp. Cần phân chia thời gian hợp lý cho từng vấn đề và chú thích thời gian trong đề cương cuộc họp gửi đến các thành viên để họ định hướng thời gian bàn bạc cho từng vấn đề cụ thể.

Thể hiện vai trò của người điều hành một cách hiệu quả

Người điều hành phải là người chịu trách nhiệm về nội dung và kết quả của cuộc họp. Trước hết, bạn phải tuân thủ chính xác về thời gian. Bạn cũng phải giám sát quá trình tranh luận chặt chẽ và khéo léo điều khiển để tránh nảy sinh mâu thuẫn và tranh luận. Cần quan sát các thành viên và ghi nhớ thái độ, ý kiến của họ trong cuộc họp. Nếu có thể bạn hãy tạo điều kiện cho các thành viên có cơ hội được chào hỏi xã giao trước cuộc họp, điều này sẽ phần nào giúp hạn chế tình trạng tranh luận gay gắt hay mang tính bất hợp tác trong cuộc họp căng thẳng

Tổng kết cuộc họp

Tổng kết cuộc họp là một bước rất quan trọng. Trước khi kết thúc cuộc họp bạn hãy tổng kết lại những vấn đề cốt lõi đã được giải quyết hay còn tồn đọng và giao việc cụ thể cho từng thành viên. Nhắc nhở những thành viên về nhiệm vụ của họ được giao sau cuộc họp.Nếu có thể hãy xin nhận xét của những thành viên tham gia về cuộc họp mà bạn tổ chức. Điều này cho phép bạn rút ra kinh nghiệm cho những buổi họp sau. Hãy cố gắng tổng hợp các thông tin đã đàm thảo trong cuộc họp ngay trong vòng 24h sau khi cuộc họp kết thúc.


Nguồn: vietnamlearning.vn

Có cần đưa thông tin phân tích khách hàng vào kế hoạch kinh doanh hay không?

Mục phân tích và đánh giá khách hàng trong kế hoạch kinh doanh được sử dụng để đánh giá và phân loại các đối tượng khách hàng mà công ty hiện thời đang phục vụ. Vì thế bản bản kế hoạch cần phải 1) xác định được các nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, 2) truyền tải được những nhu cầu của các khách hàng đó và 3) trình bày cách mà các sản phẩm và dịch vụ của công ty có thể đáp ứng được các nhu cầu đó.

Bước đầu tiên trong mục Phân tích khách hàng chính là xác định một cách chuẩn xác đối tượng mà công ty đang phục vụ. Thông tin này cần được thể hiện càng chi tiết càng tốt. Tuy nhiên cũng không nên đưa ra các thông tin chung chung như công ty đang nhắm tới nhóm đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ. Vì thế, bạn nên đưa ra các thông tin một cách chi tiết như “Hiện công ty đang tập trung vào nhóm đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ với lượng nhân lực từ 10 – 50 người có trụ sở tại các thành phố lớn”

Khi kế hoạch kinh doanh đã xác định được nhóm đối tượng khách hàng của công ty, công việc tiếp theo cần thực hiện là làm rõ các nguồn lực của nhóm khách hàng đó. Các câu hỏi nên đưa ra trong phần này có thể là: 1) Nhóm khách hàng tiềm năng này đáp ứng được bao nhiêu phần trăm các tiêu chí đánh giá mà bạn đã đưa ra trong phần phân tích khách hàng nói trên?, Các công ty đó đang trên đà phát triển hay suy thoái? 2) Doanh thu bình quân hàng năm của các khách hàng đó là bao nhiêu? Và vị trí địa lý của các khách hàng đó có phù hợp với việc triển khai kế hoạch kinh doanh mới của bạn hay không?

Sau khi đã làm rõ nguồn lực của nhóm đối tượng khách hàng, kế hoạch kinh doanh cần đề cập tới các nhu cầu của các khách hàng này một cách chi tiết. Các thông tin về nhu cầu của khách hàng cho phép công ty tìm hiểu sâu hơn về các giao dịch của những khách hàng đó trong quá khứ (Ví dụ, X% đã mua cùng một sản phẩm trong quá khứ), đồng thời cũng cung cấp những thông tin sơ khởi về các dự án mà các khách hàng này sắp triển khai (Ví dụ, khi được phỏng vấn, X% cho biết rằng họ sẽ mua sản phẩm/ dịch vụ Y) hoặc cho thấy rõ mối liên quan giữa các sản phẩm/dịch vụ mà công ty cung cấp (Ví dụ, bởi X% đã sử dụng một sản phẩm của chúng ta để thay thế cho một sản phẩm của công ty khác, nên X% quyết định chuyển hẳn sang sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của chúng ta)

Ngoài ra, bạn cũng cần phân tích tỉ mỉ các thông tin về nguyên nhân dẫn tới quyết định của khách hàng vào kế hoạch kinh doanh. Bạn có thể tham khảo một số mẫu câu hỏi dưới đây: 1) Liệu khách hàng thấy mức giá chào bán hay chất lượng của sản phẩm/dịch vụ quan trọng hơn?, 2) Khách hàng đang tìm kiếm một dịch vụ/ sản phẩm có độ tin cậy cao hay họ chỉ cần tìm kiếm một dịch vụ đơn giản chỉ vì họ có hệ thống hỗ trợ nội bộ?

Việc tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về khách hàng sẽ cho phép bạn phát triển các chiến lược kinh doanh và quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, không ít các nhà đầu tư cũng yêu cầu bạn cung cấp thông tin toàn diện về các nhóm khách hàng mục tiêu của công ty. Với việc dành thời gian để nghiên cứu và phân tích các nhóm đối tượng khách hàng, bạn có thể đạt được cả hai mục tiêu cùng một lúc: nâng cao các chính sách kinh doanh và đưa ra được các quyết định đầu tư một cách hiệu quả.

Nguồn: vietnamlearning.vn

Mạo hiểm-yếu tố thành công của những doanh nghiệp lớn

Mạo hiểm vốn là một con dao hai lưỡi. Những ai biết vận dụng một cách linh hoạt các chính sách mạo hiểm trong kinh doanh mới mong có thể đạt được thành công; nếu không nó cũng có thể dìm sâu hoạt động của một công ty xuống bùn đen. Một số công ty đã đạt được những thành công vang dội, ngoài chính sách đầu tư mạo hiểm, họ cũng là những công ty biết nhìn xa trông rộng và có khả năng dự đoán tương đối chính xác về xu hướng kinh doanh trong một tương lại không xa
Dưới đây là hai trong số các công ty đã tạo nên sự đột biến trong kinh doanh nhờ các chính sách mạo hiểm:

Tập đoàn Knight State được biết đến là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Hồng Kông hiện nay. Nhờ sự táo bạo trong các chiến lược kinh doanh của mình, Knight State đã từ một xưởng tàu kéo nhỏ bé phát triển thành một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hồng Kông và của châu Á.

Sở dĩ Knight State chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là bởi họ hiểu được rằng Hồng Kông là một khu vực đất chật người đông, vì vậy chắc chắn bất động sản sẽ là lĩnh vực có thể thu hút được nhiều lợi nhuận. Nhờ những chiến lược kinh doanh hợp lý có đôi chút mạo hiểm, Knight State nhanh chóng nổi tiếng khắp Hồng Kông.

Phương pháp đầu tư nhà đất của Knight State là coi việc kinh doanh nhà đất như kinh doanh trong ngành công nghiệp hay nói cách khác là công nghiệp hoá nhà đất.

Chỉ cần khách hàng trả trước 10% tiền mặt thì lập tức có thể thuê, mua hay xây dựng lại ngôi nhà theo hình thức trả góp. Phương pháp này được đánh giá là một phát minh lớn trong kinh doanh địa ốc, nó khiến cho những người có thu nhập thấp cũng có thể có cơ hội mua nhà, thậm chí có thể cho thuê nhà của mình. Điều này khiến cho việc mở rộng quan hệ buôn bán với đối tượng cần mua nhà không bị hạn chế.

Việc sử dụng hình thức quảng cáo tuyên truyền và giới thiệu đã làm cho những người có khả năng về tài chính đổ xô vào việc mua đất hay mua nhà. Các chính sách kinh doanh tưởng chừng như mạo hiểm nhưng lại có tính toán trước đã khiến Kinght State ngày càng phát triển.

Bên cạnh Knight State còn có rất nhiều minh chứng khác cho thấy sự thành công nhờ biết mạo hiểm trong kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngành công nghệ thông tin có đặc thù là đầu tư ít, lợi nhuận nhiều nhưng rủi ro cũng rất cao.

Mặc dù mức độ rủi ro khá cao nhưng nó cũng chính là nhân tố tạo ra những cơ hội phát triển đột biến cho doanh nghiệp nào dám chấp nhận mạo hiểm. Những cơ sở kinh doanh nhỏ sau khi ra có được những chiến lược kinh doanh hợp lý chỉ trong nháy mắt đã trở thành “đại gia” là điều không còn hiếm nữa. Một trong số các “đại gia” điển hình chính là hãng máy tính Dell.

Trong những năm đầu thập niên 80, Micheal Dell, chủ tịch Dell computer lúc đó còn là sinh viên đã phát minh ra mạch từ tính của các máy điều khiển tự động. Sau đó, Dell đem bán phát minh cho một công ty cơ khí của Mỹ. Dell nhận thấy rằng kỹ thuật máy tính đang ngày một phát triển và sẽ rất hưng thịnh trong nay mai. Dell không hề do dự sử dụng số tiền bán phát minh của mình mở công ty máy tính Dell Computer. Dưới sự trợ giúp của nhiều người cùng với sự phân tích đánh giá đúng đắn về các nguồn thông tin, Dell đã quyết định một cách khác người, mạo hiểm mở các công ty phát triển máy tính cỡ lớn bỏ qua các công ty máy tính nhỏ, đồng thời Dell phát hiện thị trường tiêu thụ máy tính văn phòng là rất lớn mới chuyển sang kinh doanh các thiết bị máy tính văn phòng. Trong lĩnh vực này Dell Computer đã đạt được thành công bất ngờ. Sau đó hàng năm mức doanh thu bình quân của Dell Computer tăng từ 40-50%.

Đến những năm 90, Dell Computer nhận ra tiềm lực to lớn của thị trường máy tính để bàn, hãng đã kiên quyết lao vào lĩnh vực mới, chấp nhận mạo hiểm mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chỉ vài năm sau, máy tính của Dell Computer đã có mặt hầu hết các nước trên thế giới với doanh thu hàng năm hơn chục tỷ USD. Dell Computer trở thành một trong những hãng máy tính lớn nhất thế giới và Micheal Dell cũng được xếp vào một trong 10 người giàu nhất thế giới.

Có thể nói, những thành công của Knight State hay Dell Computer đã minh chứng một cách khá rõ nét chiến lược kinh doanh hiện đại ngày nay đó là các doanh nghiệp muốn thành công thì nên chấp nhận sự mạo hiểm. Đôi khi việc này có thể gây tâm lý e dè cho nhiều doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp không có sự “táo bạo” trong kinh doanh thì đôi khi khó có thể phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh được.

Nguồn: vietnamlearning.vn

Những sai lầm không đáng có của cán bộ lãnh đạo khi đánh giá hoạt động của nhân viên

Thông thường việc đánh giá nhân viên được thực hiện để tìm hiểu và cải thiện năng lực hoạt động của đội ngũ nhân viên của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều cán bộ lãnh đạo và quản lý lại cho đây là cơ hội tìm ra những nhân viên khó ưa hoặc yếu kém về mặt năng lực để chỉ trích và quy trách nhiệm cho những khó khăn của công ty. Vì vậy, nếu người quản lý không có những đánh giá khách quan, điều đó sẽ khiến cho lòng tin và sự tôn trọng của nhân viên sụt giảm nhanh chóng. Với một số thông tin tham khảo dưới đây, hy vọng những người làm công tác quản lý có thể rút ra được những phương pháp đánh giá riêng cho mình, nhưng quan trọng nhất vẫn là khách quan.

1. Dành quá nhiều thời gian để đánh giá hoạt động của nhân viên

Đây là một sai lầm khá cơ bản vì người quản lý bố trí thời gian không hợp lý cho công việc này. Việc đánh giá hoạt động của nhân viên thường được thực hiện vào cuối năm, sau cả một quá trình làm việc của nhân viên. Khi đó mọi đánh giá mới có đủ những dữ liệu cần thiết để xác định một nhân viên có đủ năng lực đáp ứng công việc hay không. Vì thế, người quản lý nên dành thời gian cho việc xem xét và lên kế hoạch hoạt động cho các phòng ban hơn là chỉ chú tâm vào một công việc chỉ được tiến hành vào cuối năm.

2. So sánh các nhân viên với nhau.

Điều này có thể tạo ra cảm giác xấu hổ, dễ làm tổn hại đến tinh thần của nhân viên, tạo ra sự ganh đua không lành mạnh; tất cả những điều đó sẽ nhanh chóng phá vỡ tinh thần làm việc tập thể. Đồng thời, việc này không chỉ tạo ra xung đột trong nhân viên, mà người quản lý cũng có thể trở thành mục tiêu bị chỉ trích.

3. Coi việc đánh giá hoạt động là diễn đàn để xỉ vả nhau, chứ không phải là nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.

Chúng ta tiến hành đánh giá để cải thiện hoạt động, chứ không phải là để tìm ra kẻ ngu đần và những người không ưa để làm trò cười và xỉ vả. Nếu quên điều này, người quản lý sẽ làm cho nhân viên không còn tin và không tôn trọng lãnh đạo của mình.

4. Tự cho rằng mình có khả năng đánh giá chính xác nhân viên.

Các nhà quản lý thường tự lừa dối mình bằng cách tin rằng mình có thể đánh giá được hoạt động của nhân viên, ngay cả khi không hề xem đến kết quả công việc của họ.

5. Ðưa ra và đánh giá những cái vụn vặt, ít quan trọng.

Chẳng hạn, các nhà quản lý có thể đánh giá dịch vụ khách hàng qua việc "trả lời điện thoại trong vòng 3 hồi chuông đầu tiên". Trong khi đó cái quan trọng hơn nhiều và cũng là cái không dễ đo lường là chất lượng tổng thể của dịch vụ dành cho khách hàng. Việc đánh giá như vậy là rất khó, nên nhiều nhà quản lý đã chọn cách đánh giá thông qua những cái vụn vặt, ít quan trọng, dẫn đến những kết quả đánh giá méo mó, phiến diện.

6. Gây sửng sốt trong khi đánh giá.

Nếu bạn muốn lãng phí thời gian và tạo ra một môi trường hoạt động tồi tệ, bạn hãy đừng nói gì với nhân viên trong cả năm và khi họ mắc phải khuyết điểm gì thì đừng giải quyết ngay, mà hãy tích lại để làm căn cứ cho đánh giá hoạt động vào cuối năm.

7. Có quan niệm rằng mọi nhân viên và công việc cần được đánh giá theo một phương pháp và trình tự như nhau.

Phải chăng tất cả nhân viên đều cần có những cái giống nhau để cải thiện hoạt động của mình? Ðương nhiên là không. Các công việc rất khác nhau, bởi vậy cũng đòi hỏi phải có những tiêu chí, thủ tục đánh giá khác nha

Nguồn: vietnamlearning.vn

10 lời khuyên cần thiết khi phát triển doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp của bạn đã đạt được một số thành công nhất định trên thương trường và bạn cũng muốn phát triển quy mô của công ty vào thời điểm này. Vậy bạn cần xem xét những yếu tố nào để duy trì và tiếp tục phát triển hơn nữa cho công ty của mình? Tất cả những yếu tố đó sẽ được đưa ra trong những thông tin tham khảo mà Vietnamlearning muốn gửi tới các bạn ở dưới đây.

1. Duy trì và phát triển sứ mệnh của công ty – Điều mà chúng ta muốn bàn đến ở đây chính là cách một định hướng chiến lược cơ bản của công ty, đồng thời cũng đề cập tới những nỗ lực để thực hiện được định hướng đã đề ra đó. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế là để duy trì được định hướng đó không phải là điều dễ dàng; nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập và đang cố gắng tìm kiếm một chỗ đứng trên thương trường. Đơn giản là vì các công ty đó đôi khi buộc phải thay đổi hoặc điều chỉnh định hướng chiến lược trong quá trình hoạt động để tồn tại. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế đến mức tối thiểu những thay đổi trong chiến lược để đảm bảo cho việc duy trì sứ mệnh quan trọng của công ty và thống nhất với những cam kết với khách hàng.

2. Tạo dựng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và nhà cung cấp – Đây là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để duy trì sức sống cho doanh nghiệp một cách dài lâu. Trong đó, việc xây dựng và phát triển lòng tin, sự trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp là một điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, cũng cần duy trì mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp bởi bạn lại chính là khách hàng của họ. Nếu mối quan hệ với các nhà cung cấp là bền vững, bạn sẽ được hưởng lời từ cả hai phía: nhà cung cấp và khách hàng của công ty bạn.

3. Xây dựng tinh thần trách nhiệm cho nhân viên – Việc xây dựng tinh thần trách nhiệm cho nhân viên trong công việc cần được thực hiện thường xuyên, điều này không khác mấy so với việc giáo dục trẻ con: cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Khi đã có trong tay một đội ngũ nhân viên có tinh thần trách nhiệm, sức mạnh của công ty bạn sẽ được tăng lên gấp bội. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, bạn cũng cần thiết lập một chính sách rõ ràng để ghi nhận, khen thưởng và cung cấp cơ hội thăng tiến khi nhân viên làm việc hiệu quả.

4. Xây dựng một đội ngũ nhân viên vững mạnh và trung thành – Một đội ngũ nhân viên vững mạnh và trung thành sẽ cho phép doanh nghiệp của bạn phát triển nhanh chóng và đứng vững trong được trong mọi môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Điều này cũng giảm thiểu được số lượng nhân viên xin chuyển việc, do đó cũng giảm bớt khá nhiều chi phí đào tạo dành cho các nhân viên mới.

5. Tự bản thân phát triển khả năng lãnh đạo –Khi mới khởi nghiệp, dường như bạn đóng vai trò độc diễn nên khả năng lãnh đạo chưa có chỗ đứng. Nhưng đến khi doanh nghiệp phát triển, bạn buộc phải chia sẻ quyền quản lý với một số nhân viên mới tuyển. Điều này thực sự khó khăn đối với bạn. Tuy nhiên hãy tin tưởng vào khả năng chọn lựa nhân sự của bản thân khi tuyển dụng thêm nhân viên mới, đồng thời chỉ định những nhân viên có năng lực vào các vị trí quản lý. Việc xây dựng lòng trung thành trong nhân viên sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển của công ty trong tương lai.

6. Không được lãng quên yếu tố “chất lượng” – Có thể vào một số thời điểm, bạn buộc phải cắt giảm nhân sự, không tăng lương, không lên kế hoạch tuyển dụng, hoặc thậm chí để nhân viên ra đi, nhưng một điều mà bạn cần phải nhớ, đó là luôn duy trì chất lượng của sản phẩm/ dịch vụ mà bạn đã và đang cung cấp cho khách hàng. Điều này khá dễ hiểu bởi khi khách hàng cảm thấy chất lượng phục vụ của doanh nghiệp bị sụt giảm, họ sẽ nhanh chóng chuyển sang sử dụng dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Rất khó để thu hút được một khách hàng, nhưng bạn sẽ nhanh chóng đánh mất cơ hội kinh doanh với họ nếu dịch vụ của bạn không đáp ứng được những yêu cầu của họ.

7. Quan tâm xem xét tới chi phí hoạt động trong quá trình phát triển – Bên cạnh việc nỗ lực duy trì chất lượng dịch vụ để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, cũng như đảm bảo được vị trí vững chắc trên thị trường; bạn cũng cần phải lưu tâm tới việc cân đối chi phí sản xuất. Điều này rất dễ nhận thấy vào những thời điểm đầu tư vốn vào các dự án hoặc công ty có mức tăng trưởng vượt bậc. Các chủ doanh nghiệp khôn ngoan không chỉ chú tâm tới các sản phẩm hiệu quả và có mức ổn định cao, mà họ cũng quan tâm, chú ý tới chi phí sản xuất và các hoạt động sản xuất có chi phí thấp.

8. Phát triển một cách khôn ngoan – Yếu tố này đã được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Doanh nghiệp nhỏ cần phải phát triển nhưng sự phát triển đó phải rất thận trọng. Bởi đã có câu “ Dục tốc bất đạt”. Mỗi một sơ sảy trong quá trình phát triển có thể hủy hoại toàn bộ những nỗ lực từ khi thành lập của doanh nghiệp đó.

9. Phát huy sở trường trong điều hành – Bạn là chủ doanh nghiệp hoặc người điều hành một doanh nghiệp? Nếu bạn đã đạt được hầu hết những yếu tố: thành công, phát triển, lòng tin của khách hàng, bạn vẫn phải lưu tâm tới việc tập trung mọi nguồn lực để duy trì sự vững mạnh về mọi mặt cho doanh nghiệp của mình. Bởi nếu bạn mất tập trung, những yếu tố xấu có thể tác động nhanh chóng tới doanh nghiệp của bạn, và chính khách hàng sẽ nhận biết được điều đó trước bạn.

10. Xây dựng một quy trình kinh doanh ổn đinh – Hãy dành thời gian để xem xét và lập ra một quy trình kinh doanh phù hợp với mức độ phát triển của công ty. Tiếp theo là phân bổ nhân viên phụ trách từng khâu trong quy trình đó. Bạn cần phải thực hiện việc này càng sớm càng tốt, bởi một khi doanh nghiệp phát triên, bạn sẽ không có nhiều thời gian để lập ra được một quy trình ổn định.

Nguồn: vietnamlearning.vn

4 phương pháp để chính sách khuyến khích nhân viên đạt được hiệu quả mong muốn

Nếu mức lương công ty đưa ra là công bằng và cạnh tranh so với mặt bằng chung, khi đó các phương pháp nhằm khuyến khích sự phát triển năng lực của từng cá nhân sẽ trở thành một yếu tố cần quan tâm. Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó? Vietnamlearning xin giới thiệu một số phương pháp đáng để tham khảo như dưới đây.

Bày tỏ sự tin tưởng vào nhân viên

Có nhiều cách để bày tỏ sự tin tưởng của bạn với nhân viên, ví dụ như: loại bỏ sự kiểm soát, yêu cầu nhân viên lập kế hoạch hay lịch làm việc, hoặc cho cấp dưới đảm nhận một phần việc mà bạn thường giải quyết. Hãy chứng minh sự tin tưởng, và bạn sẽ thấy bất ngờ thú vị về kết quả đạt được. Chỉ cần nhớ rằng nhân viên mà bạn tin tưởng phải hiểu rằng họ chịu trách nhiệm về kết quả, đồng thời phải giám sát và hỗ trợ khi cần thiết.

Để quyền tự quyết cho nhân viên đối với một công việc hoàn chỉnh

Công việc theo mặt lý thuyết lại rất hạn hẹp về mặt chuyên môn. Ví dụ như "Anh hãy làm việc A trong X ngày rồi báo cáo lại cho tôi" hay "Hãy xem lại hồ sơ mời thầu này rồi chuyển cho cô C"… Trên thực tế, điều này chỉ có tác dụng khi nhân viên được xem như một phần của quy trình cơ khí hóa và khi họ không được cấp trên tin tưởng để có thể suy nghĩ, nhận xét hay hành động độc lập. Nhưng chính điều đó lại dập tắt hết động lực thúc đẩy lòng hăng say làm việc của nhân viên. Khi liên tục phải làm những công việc loại này, nhân viên thường luôn càu nhàu, khó chịu và mong mau chóng hết giờ làm việc. Nếu bạn muốn khích lệ những nhân viên đang sẵn sàng đón nhận thách thức mới, hãy giao cho họ một công việc hoàn chỉnh hơn với những trách nhiệm rõ ràng.

Những nhóm làm việc trong các lĩnh vực lắp ráp ô tô, nghiên cứu, lập kế hoạch sản phẩm mới, v.v. là những ví dụ dễ hiểu thế nào là một công việc hoàn chỉnh. Những nhóm này đã được giao trách nhiệm tập thể để lập kế hoạch làm việc, hợp tác với các bộ phận khác trong tổ chức và hoàn tất các nhiệm vụ khác.
Các nhà tâm lý học Timothy Butler và James Waldroop đã thiết kế những công việc phù hợp với "mối quan tâm liên quan đến công việc trong cuộc sống" của nhân viên. Ví dụ, một kỹ sư có năng lực chuyên môn về lĩnh vực cơ khí nhưng lại quan tâm sâu sắc đến việc hướng dẫn có thể sẽ được yêu cầu lập kế hoạch và định hướng cho các kỹ sư mới tuyển dụng. Một nhân viên bán hàng quan tâm đến việc phân tích số liệu có thể được giao nhiệm vụ làm việc với những nhân viên phân tích thị trường của công ty. Tuy nhiên, việc thiết kế công việc chỉ có thể hiệu quả khi một nhà quản lý biết đặt câu hỏi và tập trung lắng nghe những mối quan tâm thực sự của nhân viên.

Đưa ra sự thách thức

Một nhân viên có năng lực khi được giao những nhiệm vụ khó khăn với nhiều thử thách và trách nhiệm hơn thường nỗ lực hết mình để vượt qua và chứng tỏ bản thân. Điều này không chỉ xảy ra ở thực tế nơi làm việc mà cả trong những lĩnh vực khác của cuộc sống hàng ngày.

Nếu có thể, bạn hãy tạo cơ hội cho cấp dưới được tiếp cận với những công việc mới mẻ và đầy thách thức nhằm khuyến khích họ phát huy tiềm năng sáng tạo, xây dựng lòng tự tin và đồng thời đem lại nhiều giá trị hơn cho công ty.

Khuyến khích nhân viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp

Một cách thúc đẩy khác là khuyến khích nhân viên trở thành chuyên gia trong những lĩnh vực mà họ quan tâm đồng thời đem lại giá trị thực sự cho công ty. Mọi phòng ban đều cần những người thạo chuyên môn trong nhiều lĩnh vực như kiểm tra chất lượng, công nghệ thông tin, cải thiện quy trình, kiểm soát tồn kho, các vấn đề ngân sách và nhiều lĩnh vực khác. Sự thành thạo chuyên môn này không nhất thiết liên quan đến công việc toàn thời gian mới đem lại giá trị thực tế cho phòng ban. Chỉ cần có một số nhân viên có kiến thức chuyên môn sâu trong những lĩnh vực then chốt là đã đóng góp rất nhiều cho phòng ban. Và việc cho nhân viên phát triển chuyên môn có thể là làm cho nhân viên cảm thấy tự hào hơn và có cảm giác thành đạt cũng như được nhìn nhận trong công việc: "Xin cảm ơn bài viết về việc tạo điểm chuẩn cho quy trình. Đó là một biện pháp mà chúng ta có thể sử dụng ở đây. Anh có muốn trở thành một chuyên gia về lĩnh vực này không? Một khi đã thành thạo về vấn đề này thì anh có thể hướng dẫn cho những người khác trong phòng ban của chúng ta".


Nguồn: vietnamlearning.vn

Related Posts with Thumbnails

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More