12 thg 4, 2010

Triển khai ERP (P.5) – Quản lý sản xuất

erp  modules Triển khai ERP (P.5) – Quản lý sản xuất

Trong quá trình triển khai ERP, phân hệ sản xuất (Manufacturing – MFG) được xem là phân hệ khó, phức tạp và tốn nhiều thời gian nhất khi đưa vào áp dụng vì bản thân sản xuất đã rất đa dạng về ngành nghề, mỗi lĩnh vực sản xuất có những đặc thù quản lý riêng.

Để triển khai thành công và hiệu quả phân hệ này, đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định mục tiêu và phạm vi rõ ràng, chọn giải pháp phù hợp và đặc biệt là chọn nhà tư vấn triển khai có kinh nghiệm, am hiểu sản phẩm và từng triển khai thành công phân hệ sản xuất.

CÁC YÊU CẦU CẦN CÓ KHI ÁP DỤNG PHÂN HỆ QUẢN LÝ SẢN XUẤT

Trên thực tế, mỗi một đơn vị sản xuất là một quy trình riêng biệt và không thể giống hệt như nhau được. Chính vì vậy mà các chương trình quản lý chuyên biệt về sản xuất mới chia ra thành nhiều nhóm chương trình quản lý sản xuất khác nhau như sản xuất liên tục (Process Manufacturing - có nơi còn gọi là sản xuất phức hợp), sản xuất rời rạc (Discrete Manufacturing - có nơi còn gọi là sản xuất đơn), sản xuất theo dự án (Project Manufacturing) …
Nhìn chung, trên thực tế của các đơn vị đã ứng dụng ERP và sản xuất tại Việt Nam như Mía đường Lam Sơn, Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), Savimex, EuroWindow hay Prime Group …, những việc đầu tiên mà hệ thống cần đáp ứng là phần khai báo linh hoạt với bộ tham số tiện dụng để ứng dụng được theo các quy trình quản lý đặc thù. Chính việc khai báo thuận tiện này giúp các đơn vị có quy trình sản xuất phức tạp sẽ quản lý được dễ dàng hơn các quy trình sản xuất của mình.

Quản lý sản xuất đòi hỏi chương trình phải xác định được việc lập kế hoạch sản xuất, tính toán thời gian sản xuất, hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu, tính giá thành kế hoạch … Để làm được điều này, các phân hệ sản xuất trong ERP cần cho phép người sử dụng khai báo định mức nguyên vật liệu (Bill of Material - BOM) và quy trình sản xuất (Routing). Không chỉ có khai báo về bảng định mức nguyên vật liệu, phân hệ quản lý sản xuất đồng thời phải khai báo được lịch sản xuất, năng lực sản xuất bao gồm các nguồn lực như nhân công, máy móc, công cụ sản xuất, thời gian, chi phí … Vì chính những thông số được khai báo ở đây là cơ sở để tính toán được các chỉ tiêu nói trên.

Một điều cần nhấn mạnh rằng đối với những đơn vị có hệ thống định mức nguyên vật liệu phức tạp (ví dụ mỗi đơn hàng cần khai báo lại một bộ định mức nguyên vật liệu mới) thì rất nên xem xét giải pháp với nhà tư vấn triển khai có kinh nghiệm để việc khai báo này được thuận lợi, không biến việc nhập số liệu trở thành một sự cản trở về mặt thời gian của thực hiện sản xuất.

Một trong những mong chờ của các DN khi triển khai ERP vào quản lý sản xuất chính là việc ERP có trợ giúp gì DN trong việc lập kế hoạch sản xuất (KHSX) hay không. Quá trình lập KHSX thường bắt đầu từ việc xác định và tổng hợp nhu cầu sản xuất từ các nguồn khác nhau như các hợp đồng bán hàng, phần sản xuất theo dự báo … qua quá trình kiểm tra năng lực sản xuất, thời gian cần cho sản xuất, số lượng tồn kho của hàng bán cũng như vật tư cho SX … của từng thành phẩm hay bán thành phẩm. Điều cần thiết ở đây là hệ thống ERP cần tính toán để có được ngày bắt đầu sản xuất tối ưu nhằm đáp ứng được các nhu cầu này. Riêng đối với các DN có nhiều chi nhánh hoặc nhà máy cách xa nhau, hệ thống ERP nên cho phép việc lập KHSX ở mức tổng để có được kế hoạch điều hàng, tận dung các nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Kết quả cần có của hệ thống ERP chính là các “lệnh sản xuất” tương ứng để đáp ứng với nhu cầu đề ra.

Xác định nhu cầu nguyên vật liệu để đáp ứng được kế hoạch sản xuất là một yêu cầu cơ bản của phân hệ QLSX trong ERP. Điều DN cần của việc hoạch định này chính là tổng hợp được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như từ bảng Định mức NVL, từ các đơn mua hàng dở dang, các lệnh sản xuất dở dang, từ số liệu tồn kho NVL, thời gian cung ứng vật tư … để tính ra được số lượng vật tư cần cung cấp thêm. Nếu cần mua thì có ngày đặt hàng phù hợp cho tất cả các NVL liên quan. Kết quả cần có của việc xác định nhu cầu NVL là các phiếu yêu cầu cung ứng vật tư chuyển sang bộ phận cung ứng.
Cần chú ý là khi hoạch định nhu cầu NVL, phân hệ QLSX trong ERP cần hoạch định lại các lệnh sản xuất thành phẩm cũng như bán thành phẩm tương ứng và cho phép kiểm tra lại năng lực của tất cả các nguòn lực trước khi phát hành lệnh sản xuất một cách chính thức.

Phần chuẩn bị cho quá trình sản xuất đã thực hiện xong. Còn lại là việc quản lý quá trình sản xuất như thế nào. Việc quản lý quá trình sản xuất bao gồm các chức năng chính như theo dõi tiến độ sản xuất của từng lệnh/lô sản xuất, tổ chức thống kê và ghi nhận tiêu hao NVL, chi phí, thời gian sản xuất, ghi nhận lượng bán thành phẩm cũng như thành phẩm hoàn thành tại từng công đoạn, từng lệnh/lô sản xuất. Đây cũng chính là cơ sở cho việc tính giá thành sản xuất, phân tích tiêu hao, tính hiệu quả sản xuất.
Điều DN cần xem xét xem ở đây là phân hệ quản lý tiến độ sản xuất trong ERP đã được tích hợp chặt chẽ với các phân hệ khác như Quản lý kế hoạch sản xuất/Hoạch định nhu cầu NVL để kế thừa và chia sẻ thông tin về các lệnh sản xuất, Quản lý và xác định giá thành để tính giá thành sản xuất, Quản lý chất lượng để ghi nhận và kiểm tra chất lượng thành phẩm/bán thành phẩm làm ra và phân hệ kho để theo dõi tồn kho vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm hay chưa.

Phải nói rằng, bài toán tính giá thành sản xuất là bài toán “nhức đầu muôn thuở” của các DN hiện nay. Và quyết định triển khai ERP của các DN đôi khi cũng để giải quyết một vài bài toán nhức đầu này. Có thể nói tính giá thành sản xuất là một nhu cầu tiên quyết của hầu hết các DN sản xuất vì giá thành chính là cơ sở cho việc phân tích hiệu quả sản xuất, phản ánh chính xác lãi lỗ thực sự của doanh nghiệp.
Nhìn chung, hiện nay đa phần các DN đều sử dụng phương pháp tính giá thành bình quân cuối kỳ, nghĩa là ngoài các khoản chi phí trực tiếp đã xác định trước, các khoản chi phí phân bổ sẽ được tập hợp vào cuối kỳ và khi đó sẽ xác định được giá thành sản phẩm một cách hợp lý. Phân hệ QLSX trong ERP cũng cần cho phép DN khai báo và tính giá thành kế hoạch (có thể chi tiết theo từng khoản mục chi phí) thông qua phân hệ Định mức NVL (BOM) tại thời điểm trước khi sản xuất. Trong quá trình sản xuất, phân hệ Quản lý tiến độ SX giúp DN thống kê và tập hợp chính xác các chi phí theo số phát sinh thực tế, những chi phí nào không thống kê được thì hệ thống sẽ hỗ trợ sử dụng số liệu định mức. Chính vì vậy, bất kỳ thời điểm nhập kho bán thành phẩm hay thành phẩm nào DN cũng có thể biết được tương đối chính xác giá thành sản xuất. Đến thời điểm cuối kỳ, sau khi tập hợp đầy đủ các chi phí phát sinh thực tế trong kỳ, hệ thống sẽ hỗ trợ DN tính lại giá thành thực tế trong kỳ.

Một điều không thể quên hiện nay chính là việc quản lý chất lượng trong sản xuất. Điều cần có của phân hệ QLSX trong ERP là phải quản lý được các tiêu chuẩn chất lượng của từng vật tư, bán thành phẩm hay thành phẩm hoặc từng nhóm vật tư, lập kế hoạch lấy mẫu tự động, lấy mẫu và ghi nhận kết kiểm nghiệm của từng tiêu chuẩn chất lượng ngay trong quá trình sản xuất các bán thành phẩm và khi nhập kho thành phẩm. Thông tin về chất lượng sản phẩm cũng là cơ sở cho việc phân tích, nâng cao chất lượng, nguyên cứu và phát triển sản phẩm của DN.

Bên cạnh đó, trong các DN sản xuất, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới là một khâu khá quan trọng và không thể thiếu. Quá trình sản xuất thử, làm mẫu cũng là cơ sở cho việc xây dựng Định mức NVL, tính thời gian sản xuất… của các bán thành phẩm cũng như thành phẩm. Phân hệ QLSX trong ERP cũng cần quản lý quá trình xây dựng, thay đổi và cập nhật Định mức NVL thông qua việc sản xuất thử/làm mẫu. Sau đó các định mức NVL này sẽ được ban hành và sản xuất chính thức.

LƯU Ý KHI TRIỂN KHAI PHÂN HỆ QUẢN LÝ SẢN XUẤT

Xác định rõ yêu cầu và phạm vi triển khai

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thất bại khi triển áp dụng phân hệ quản lý sản xuất là do DN và kể cả nhà tư vấn không xác định được yêu cầu quản lý và phạm vi triển khai phù hợp. Một phần là do DN chưa chuẩn bị đầy đủ cũng như chưa lường trước được khối lượng công việc mà mình sắp phải đối diện nên thông thường các DN hay đặt ra các yêu cầu quá cao dẫn đến việc không khả thi và kém hiệu quả khi đưa vào vận hành thực tế. Nhưng nguyên nhân chính vẫn nằm khả năng tư vấn của các nhà tư vấn triển khai, do chưa nắm rõ hiện trạng, thiếu kinh nghiệm triển khai thực tế nên họ ít khi xem xét các yêu cầu của DN một cách thấu đáo, dẫn đến việc thất bại do giải pháp không có tính khả thi. Trong khi thực tế, một số yêu cầu của DN thật sự là chưa cần thiết và không mang lại nhiều hiệu quả so với chi phí đầu tư. Để nhận ra điều này, đòi hỏi DN phải xác định rõ những gì mình cần và sáng suốt lựa chọn nhà tư vấn triển khai có kinh nghiệm, am hiểu sản phẩm, thể hiện đúng vai trò tư vấn nhằm mang lại hiệu quả cho DN và đảm bảo tính khả khi cao nhất cho dự án.

Lưu ý khi lập giải pháp quản lý sản xuất

Trong quá trình triển khai ERP, phân hệ sản xuất do có nhiều đặc thù, tốn nhiều thời gian để chuẩn hóa quy trình, định mức nên thường được triển khai ở giai đoạn sau, khi mà các phân hệ khác đã vận hành trơn tru. Vì vậy trong quá trình xây dựng và xem xét giải pháp, phải xây dựng ở mức tổng quát cho cả hai trường hợp chưa có phân hệ sản xuất và khi đưa phân hệ này vào vận hành. Trong đó cấu trúc bộ mã, cách chia công đoạn sản xuất, cách thức tổ chức thống kê và yêu cầu về phân tích chi phí/giá thành sẽ quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức khai báo và cập nhật BOM/Routing. Điều này đòi hỏi DN và nhà tư vấn phải hết sức cân nhắc đến tính khả thi và hiệu quả để lựa chọn các giải pháp phù hợp.

Không phá vỡ kiến trúc hệ thống

Bản thân ERP là một hệ thống được thiết kế trên một kiến trúc tổng thể, trong đó các phân hệ có sự tích hợp, liên thông chặt chẽ nhau. Thông qua kiến trúc này, hệ thống tích hợp sẵn có quy trình chuẩn được tự động hóa cao, vận hành trên môi trường cộng tác, giúp DN nâng cao kiểm soát, lập kế hoạch tối ưu hóa nguồn lực, ra quyết định kịp thời… Phân hệ sản xuất cũng là một phần cốt lõi trong kiến trúc này, vì vậy trong quá trình xây dựng giải pháp, triển khai thực tế, cần xem xét vấn đề ở mức tổng thể, không nên vì các ý do “đặc thù” mà tự ý thay đổi quy trình làm phá vỡ kiến trúc hệ thống dẫn đến việc sa lầy và thất bại.

Áp dụng ERP trong các DN sản xuất là thật sự cần thiết

Có một suy nghĩ hết sức sai lầm khi cho rằng quản lý sản xuất có quá nhiều đặc thù, nhiều tham số nên ứng dụng ERP sẽ không mang lại hiệu quả và ít khả thi. Thực tế cho thấy quá trình ứng dụng ERP sẽ giúp cho các DN này dần xóa bỏ “đặc thù” vì xu hướng hội nhập không có chỗ cho các “đặc thù” này tồn tại. Hơn nữa, bản thân ERP là ứng dụng và cải tiến quy trình, vận hành trong môi trường cộng tác nên thông tin được chia sẻ và kiểm soát một cách chặt chẽ và kịp thời. Các công việc trước kia chủ yếu lệ thuộc vào một vài cá nhân có kinh nghiệm (như lập KHSX chẳng hạn) nay đã được “quy trình hóa” trên ERP, điều này giúp DN chủ động và an toàn hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

KẾT LUẬN

Quản lý sản xuất và tính giá thành vẫn là một bài toán khó, khi triển khai phân hệ này cần nhiều thời gian để chuẩn hóa quy trình, xây dựng định mức… Để đảm bảo thành công và mang lại hiệu quả cao nhất, DN cần xác định rõ yêu cầu và phạm vi triển khai rõ ràng, lựa chọn giải pháp ERP phù hợp, sáng suốt lựa chọn nhà tư vấn triển khai có kinh nghiệm và am hiểu giải pháp.

Hình 1 - Ví dụ quy trình quản lý sản xuất trong ERP

quy trinh san xuat Triển khai ERP (P.5) – Quản lý sản xuất

Ngọc Mai - Chuyên gia tư vấn FPT ERP

0 Trả lời:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More