Bỗng nhiên một ngày bạn tôi nhận được một tin nhắn báo lỗi hết sức khó hiểu: Err = 8008. Đọc nó xong và mọi thứ hoàn toàn vô hiệu. Vậy bí mật gì ẩn giấu sau tin nhắn kì lạ đó? | ||
Hôm ấy, bạn tôi vô cùng háo hức chờ đợi được thưởng thức phần 4 trong loạt phim Entourage của HBO; nhưng lúc đó việc download hoàn toàn không thể thực hiện được. Sau đó, anh ta mới chợt nảy ra một ý nghĩ là: Nếu mình thử tìm kiếm trên Google nội dung tin nhắn báo lỗi đó thì sao nhỉ? Và rồi một phương án xử lý cũng được tìm thấy trên trang hỗ trợ của Apple; ngay lúc sau, anh đã được tận hưởng phần 4 Entourage trên chiếc laptop gia đình của mình. Có lẽ, đây cũng chỉ là một ví dụ nhỏ. Tuy nhiên, phần nào đó được coi là một biểu tượng của những khả năng mới đầy sức mạnh mà các cá nhân cần phải có trong một thế giới dựa trên cơ chế "kéo". Những khả năng này được chia thành 3 cấp độ. Cấp độ đầu tiên cho phép chúng ta tiếp cận những gì chúng ta muốn khi cần thiết – chẳng hạn như khi chúng ta thực hiện chuyển đổi các tin nhắn báo lỗi đầy phiền hà trước kia thành các thông tin quan trọng. Đặc biệt là trong thế giới Internet, nhiều người bắt đầu coi cấp độ đầu tiên này là đương nhiên. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chẳng có bất kì một tin nhắn báo lỗi nào để gõ vào các công cụ tìm kiếm? Thực tế thì, khi các bước chuyển đổi, thăng trầm ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, và thế giới ngày càng khó lường trước hơn bao giờ hết, nhiều lúc chúng ta chẳng còn chắc chắn phải tìm kiếm điều gì, đặt những câu hỏi nào. Đó là lúc cấp độ thứ hai của cơ chế kéo phát huy tác dụng – chính là khả năng để thu hút con người và mọi nguồn lực mà trước đó bạn chưa từng biết tới sự tồn tại của họ. Và ngay khi chạm trán với họ, chỉ một vài phần trăm trong số này là thích hợp và có giá trị - tức là chính xác những gì bạn đang kiếm tìm. Cấp độ này thể hiện rõ nét thông qua khả năng may rủi hơn là việc tìm kiếm. Các mạng xã hội là những điểm nhấn nổi bật nhất nơi ẩn chứa nhiều sự tình cờ, may mắn; nơi mà nhiều khi những người bạn của bạn mình hay thậm chí là người hoàn toàn xa lạ lại có thể giúp ích được cho chúng ta. Hai cấp độ đầu tiên vừa được đề cập tới - bao gồm khả năng truy cập và thu hút – gần như tĩnh hoàn toàn. Trong đó, một giả định được đưa ra là con người và mọi nguồn lực mà chúng ta cần đã tồn tại; và thử thách chỉ là tìm kiếm và khám phá ra chúng mà thôi. Tuy nhiên, mỗi người trong số chúng ta có lẽ cần phát triển xa hơn nữa khả năng chuyên môn cũng như cá nhân của từng người trước khi chúng ta có thể nhận ra cách thức tối ưu để tiếp cận và thu hút những thứ mình cần và muốn. Hay nói cách khác, chúng ta cần rèn luyện thành thạo kỹ năng ở cấp độ thứ ba, tức khả năng để lôi kéo từ bên trong mỗi người mọi sự hiểu biết sâu sắc cũng như những hành động cần thiết để đạt tới mục tiêu tiềm năng. Bên cạnh đó, cần phải làm sao để giúp đỡ người khác làm được điều tương tự. Dựa trên cơ sở ba cấp độ này, mỗi chúng ta có thể tuân thủ bốn cách thức dưới đây để mở rộng cơ hội thành công: Biến niềm đam mê thành sự chuyên nghiệp. Bạn có thực sự yêu thích những việc mình đang làm? Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, chỉ cần có một công việc ổn định đã đủ để cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Tuy nhiên, nhịp độ của sự biến đổi khiến không ai trong chúng ta cảm thấy an toàn, yên ổn: một thế giới ngày càng bất ổn đòi hỏi mỗi người phải làm việc chăm chỉ hơn để có thể giữ cho các kỹ năng nghề nghiệp của mình vẫn có tính cạnh tranh. Hầu hết chúng ta chỉ thể hiện sự nỗ lực cao độ vào những thứ hứa hẹn mang lại ý nghĩa và chứa đựng nhiều tình cảm, vì thế chúng ta phải biến mọi niềm đam mê thành sự chuyên nghiệp hoặc chúng ta sẽ bị vòng quay của thế giới đánh bật. Mở rộng mạng lưới xã hội. Có thể cho tới thời điểm này, bạn đã là thành viên của nhiều mạng xã hội như Facebook, Linkedln hay nhiều trang khác. Tuy nhiên, ở những nơi đó bạn trở nên phiêu lưu, mạo hiểm tới mức nào? Ranh giới của mạng xã hội của chúng ta càng được mở rộng, thì xác suất hiện hữu của sự tình cờ, may rủi càng lớn. Mỗi người xuất hiện trên những ranh giới này đều tượng trưng một “mối ràng buộc lỏng lẻo”, kết nối chúng ta với những cái nhìn thấu đáo hơn, những trải nghiệm và những khả năng mới – mà chính chúng lại khơi gợi, kích thích chúng ta phải nâng cấp “trò chơi” của riêng mình. Qua thời gian, những mối liên kết này sẽ thành một phần cốt lõi trong mạng lưới của chúng ta, chúng phát triển theo chiều sâu hơn nhưng cũng theo những cách khó dự đoán hơn. Kiếm tìm tài năng. Khi chúng ta bắt đầu theo đuổi niềm đam mê của mình, cũng là lúc một điều gì đó thật đặc biệt bắt đầu diễn ra. Có lẽ chỉ một vài người chọn sống hoặc ít ra là có định hướng gắn bó với những nơi ở vùng sâu vùng xa do một niềm đam mê riêng nào đó. Còn thực tế, đa số mọi người lại có thiên hướng kiếm tìm những tài năng bổ sung tại các vùng đông dân cư. Mạng xã hội trong một không gian ảo càng làm cho sức kéo được mở rộng không ngừng bởi niềm đam mê là động lực thôi thúc chúng ta phải tìm ra những người có khả năng giúp mình gia tăng tốc độ. Tối ưu hóa thành quả. Nghe những lời gợi ý trên đây, nhiều độc giả sẽ tự hỏi liệu bao nhiêu người trong số chúng ta có đủ thời gian để mở rộng mạng lưới và tìm kiếm ra những tài năng bổ sung cho mình. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn hoạt động dưới sức ép thời gian rồi sao? Tuy vậy, bằng việc ứng dụng những công cụ và dịch vụ mới, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao giá trị nhận lại được so với khoảng thời gian bỏ ra cho việc tìm kiếm những thứ chúng ta muốn và cần. Các công cụ tìm kiếm là trợ thủ đắc lực trong việc gia tăng giá trị này. Tuy nhiên, các công cụ ẩn chứa khả năng may rủi thậm chí còn hữu hiệu hơn nữa, bởi chúng kết nối chúng ta với những người và những nguồn lực mà chúng ta còn chưa hề biết tới. Còn bạn thì sao? Bạn sẽ chấp nhận lời yêu cầu kết bạn trên một mạng xã hội từ ai đó bạn chưa hề gặp chứ? Bằng cách nào bạn nhận ra sự hiện diện của những tình cờ, may rủi trong cuộc sống và sự nghiệp riêng của mình? Bạn đã tìm ra cách nào để định hình sự may rủi đó để gia tăng số lượng cũng như chất lượng của những cuộc gặp gỡ ngoài mong đợi như vậy? | ||
Theo abviet.com/ tuanvietnam |
0 Trả lời:
Đăng nhận xét