I
Thằng Tèo bỏ nhà ra đi hôm mùng bốn Tết. Chuyện ấy làm cả xóm xôn xao, ai cũng nói nó bắt đầu cơn điên mới. Bà Kiểu vì thương con, một phần vì sợ ông Kiểu sẽ trút trận lôi đình xuống đầu, bà khóc hết nước mắt, người khô tóp, gầy rộc đi. Ăn ở với bà đã năm mặt con, thật ra ông Kiểu chưa đánh bà một bạt tai nào, nhưng trong những cơn thịnh nộ ông chửi bà như tát nước vào mặt.
Chỉ nhớ tới những trận chửi của ông Kiểu là bà cảm thấy choáng váng và nghẹt thở như chính ông đã dùng những nắm đấm mà giáng tới tấp xuống đầu, xuống ngực bà một cách vũ phu. Sống với nhau gần bốn mươi năm bà đã quen mọi tính ăn nết ở của chồng nhưng bà không sao quên được cái cách đối xử chồng chúa vợ tôi đó.
Mấy ngày liền con Kim Lan, thằng Dũng, con Nhan đổ xô đi tìm thằng Tèo vẫn bặt tăm. Một hôm, người hàng xóm cho hay đã thấy nó lẩn quẩn ở ga xe lửa Hoà Hưng. Con Kim Lan nghỉ một buổi đi làm, đạp xe tìm em. Nó không tin rằng thằng Tèo nhập vào băng móc túi, cướp giật vì nó lù khù, chậm chạp và thêm chứng tâm thần lúc nào cũng lơ lơ láo láo. Nó biết tính em. Mặc dù không như người bình thường nhưng thằng Tèo không biết tham, chưa bao giờ nó lấy cắp vật gì của ai dù rất nhỏ. Nghĩ vậy nhưng con Kim Lan vẫn thấy lo. Làm sao có thể lường được hành động của một người không còn đủ trí khôn. Nó nơm nớp lo sợ cái tình huống chắc chắn sẽ xảy ra nếu thằng Tèo nhập vào băng móc túi: Một là nó sẽ bị công an tóm vì sự chậm chạp và vẻ ngây độn của nó. Hai là nó sẽ bị chính cái đám lưu manh chuyên môn cướp giật ấy “bề hội đồng” để “cuỗm” đi cái món mà thằng Tèo lấy được.
Con Kim Lan sợ hão. Mọi lo lắng, suy nghĩ của nó về thằng Tèo không đúng như sự thật. Nó bắt gặp thằng Tèo lom khom ở một bãi rác khổng lồ gần ga.
- Tèo!
Thằng Tèo ngẩng lên, cây cần móc trong tay nó còn dính cái túi nylon bẹp dí, nhăn nhúm. Nó cười. Cũng vẫn là cái cười không ra tiếng, chỉ có hai vành môi căng rộng ra, dài dại.
- Bà đi đâu vậy?
Nó không điên lại như lời đồn. Con Kim Lan nghĩ vậy và thấy mừng. Nó không trả lời em mà ngước nhìn từ đầu tới chân thằng Tèo. Không ngờ chỉ mấy ngày mà trông thằng Tèo thật thảm hại. Người nó đen như cây dừa cháy sém. Vốn có vóc người cao lớn giờ ốm đi, cái lưng khòm xuống làm cho nó có dáng lỏng khỏng, xấu xí. Cái áo sơ mi ngắn tay bằng vải calicot mặc hôm nó bỏ nhà đi đến nay như biến dạng, tươm nước và đầy cáu bẩn. Đứng gần, con Kim Lan nghe lợm giọng vì cái mùi toát ra từ người thằng Tèo. Một mùi trộn lẫn giữa sự tanh tưởi của rác và hăng hắc của da người khét nắng.
- Mày về nhà đi.
- Chi vậy?
- Má khóc hổm rày mày biết không?
Thằng Tèo đứng ngây ra một chút. Có lẽ câu nói vừa rồi của con Kim Lan đã lay động đến cái phần sâu kín nhất còn lại trong cái đầu mù mờ của nó. Đó là cái tiếng má mà con Kim Lan nhắc. Nhưng rồi nó nhăn răng cười và tiếp tục bới rác.
- Lên xe đi tao chở về.
- Thôi, không thèm.
- Sao mày không chịu về nhà?
- Về để ổng chửi hả? Bữa nào ăn cơm ổng cũng chửi.
-…
- Bà về đi.
Nó bỏ con Kim Lan đứng đó, tiếp tục cái công việc của nó.II
Chiều mùng bảy ông Kiểu về nhà sau chuyến về quê chúc Tết cùng với mấy người bạn. Dẫn chiếc xe đạp vô nhà với bước chân khệnh khạng, cả người ông nồng nặc mùi rượu. Những lúc ấy tốt hơn cả là đừng ai nói với ông một điều gì. Bà Kiểu biết vậy nên vẫn làm thinh dù bà có nhiều việc muốn nói với ông. Nỗi lo sợ ông sẽ nổi xung chửi bới vì việc thằng Tèo bỏ nhà giờ đây không còn là nỗi ám ảnh của bà nữa. Người ta chỉ thấp thỏm lo âu khi chờ đợi một việc gì đó ở phía trước chứ khi đã chạm mặt, đương đầu với nó rồi thì không còn cái tâm trạng ấy nữa. Vả lại, bà biết tính khí chồng như vậy nhưng ông Kiểu là người rất thương vợ, thương con. Có điều cách bày tỏ tình thương của ông không giống bất cứ người nào, càng không phù hợp với ý muốn của bà và của các con. Mấy ngày nay nỗi lo âu về thằng Tèo dở chứng đã vợi đi để nhường chỗ cho nỗi buồn khổ khác, lớn hơn. Đó là việc con Hưng mấy lần tìm cách tự tử, và việc sắp chia tay với cô Phước, chưa biết ngày nào gặp lại. Những chuyện ấy cứ dồn dập lên tấm lưng còm cõi của bà, một người mẹ, một người vợ. Nếu có ai nói bà suốt đời vẫn là cái bóng của ông Kiểu thì cũng không ngoa. Từ ngày bước chân về nhà chồng là bà đã tự xác định cho mình một chỗ đứng. Suốt đời vì chồng, vì con. Chính cái ý nguyện “xuất giá tòng phu” đó đã luyện cho bà sự chịu đựng bền bỉ. Mọi việc là do quyết định của ông Kiểu, bà chỉ biết nghe theo. Ừ, dù sao thì ông cũng là chồng, là trụ cột của gia đình. Nói như vậy chứ cũng có nhiều chuyện ông Kiểu xử sự theo ý bà, khi ông đã nghe ra, cho là phải. Dẫu sao đó cũng là chuyện hoạ hoằn. Điều đó do một phần cái bản tính cố hữu của ông, một phần cũng do ông bị điếc quá nặng. Ông sống gần như khu biệt với thế giới xung quanh. Mọi diễn biến của gia đình cũng như xã hội được ông tiếp nhận hơn chín mươi phần trăm là bằng mắt, nếu có thể ước lượng được như vậy.
Cái chứng nặng tai quái quỉ ấy ông mắc phải đã hơn ba chục năm nay và ngày càng thêm nặng. Chính ông cũng không rõ nguyên nhân. Chuyện gì đã xảy ra trong gia đình ông ít biết vì không ai nói cho ông nghe, ngoài bà Kiểu. Nhưng có việc bà Kiểu chỉ âm thầm chịu đựng chứ không dám bày tỏ hết với ông. Đúng ra thì các con ông đều ngại nói chuyện với ông. Phải la thật to. Và như vậy khó mà diễn tả khúc chiết mọi vấn đề, có khi là những tâm sự thầm kín, cần sự cảm thông, an ủi. Vả lại, nếu tụi nó muốn nói với ông thì khó có dịp để nói. Ông cứ luôn quát tháo ầm ĩ những chuyện vặt vãnh, nó làm ông chướng mắt. Như thằng Dũng soạn đồ nghề của nó lại để lon sơn của ông lệch vị trí. Nhà có một người đàn bà và ba đứa con gái mà ăn cơm rồi chén không rửa, ngâm một thau đầy ắp. Đã bảo buổi trưa thằng Tèo tranh thủ chà lót chiếc xe mà nó chỏng cẳng ngủ… Mọi cái, hầu như mắt ông Kiểu ngó tới đâu thì cũng có chuyện để nói, không cần biết vì sao phải như vậy. Được cái là ông vẫn hay kể lại với bà những chuyện ông làm hay gặp phải trong ngày. Đó là những giờ phút đầm ấm của tình nghĩa vợ chồng mà bà Kiểu nhận được và cũng chỉ trong những giờ phút ấy bà Kiểu mới hiểu được chồng hơn.
Ông Kiểu đánh một giấc li bì đến nửa đêm. Như thường lệ ông vẫn thức vào giờ nầy. Và hôm nay ông cũng không bỏ qua cái việc mà ông đã làm hằng đêm khi ông ở nhà. Đó là kiểm tra con cái. Ông lò dò đi từ bộ ván này qua giường nọ, từ nhà trên xuống nhà dưới ngó vô mùng đếm đầu từng đứa. Đêm nào thấy đủ ông lặng lẽ vô buồng ngủ tiếp hoặc nói vài chuyện gì đó với vợ. Nếu thiếu mất một đứa là có chuyện ông hạch sách bà Kiểu, rồi đứa ấy ngày mai vác mặt về thì hãy liệu hồn! Chỉ rảo qua một lượt ông đã thấy thiếu mất ba đứa. Thằng Tèo, con Nhan, con Hưng. Trời, chuyện gì vậy? Ông mới có đi mấy ngày mà tụi nó tự tung tự tác đến như vầy sao? Mà cũng tại con đàn bà! Làm mẹ mà không biết dạy con, không quản lý nó được. Đúng là con hư tại mẹ.
- Con Nhan đâu?
Bà Kiểu:
- Nó ở nhà bạn nó ngoài Chợ Lớn.
- Làm gì ngủ ở đó. Có mà đánh đôi đánh đọ kéo nhau làm đĩ! Bà làm mẹ mà cái miệng để đâu, cứ câm họng để nó đi đâu thì đi.
- Nó thất nghiệp ở nhà sợ ông chửi. Hồi chiều nó về ăn cơm thấy ông nó vội lẻn đi.- Vì là giữa đêm, bốn bề yên ắng, lại kề sát tai ông để nói nên giọng bà Kiểu chỉ vừa phải, không phải cố la to như lúc ban ngày. Bà nén nỗi tủi thân vì sự đay nghiến của ông để nói lên phần nào tình cảnh gia đình những ngày gần đây để ông hiểu mà cảm thông, để bà vơi bớt nỗi khổ tâm ngày càng làm bà héo hắt.- Cái xí nghiệp hộp quẹt bị thua lỗ không xuất khẩu được nữa nên người ta cho nó nghỉ rồi.
- Nghỉ chỗ đó rồi không biết làm chuyện gì khác? Ở không, vục mặt vô ăn rồi đi kiếm chỗ khác ngủ là yên hả?
- Thời buổi này ông tưởng dễ kiếm việc làm lắm hay sao?
- Ngày mai lôi đầu nó về đây!
Bà Kiểu thở dài như trút được một phần gánh nặng. Và bây giờ bà ở trong sự chờ đợi đón nhận những cơn bão táp dội tới từ phía ông Kiểu về những đứa khác vắng mặt hôm nay. Nhưng không. Ông Kiểu vẫn im lặng. Điều lạ này làm bà Kiểu ngạc nhiên. Ông không nổi nóng ầm ĩ và cũng không hạch sách, cạch vẽ như mọi khi. Đây là thái độ chưa từng có của chồng từ trước đến nay. Chẳng lẽ ông hiểu hết mọi điều và đang khổ tâm không kém bà. Nghĩ vậy, lòng bà Kiểu thấy nhẹ nhõm. Bà thấy đây là lúc cần thiết để tâm sự với ông mọi việc mà nếu không sẽ khó có dịp để nói.
- Ông ngủ rồi à?
- Chưa. Gì vậy?
- Cô Phước với thằng Subi sắp đi.
- Đi đâu?
- Mỹ. Người ta bảo lãnh cho diện con lai.
Ông Kiểu nói như rít qua kẽ răng:
- Bà nói với tôi chuyện đó làm gì? Nó đi đâu mặc xác nó.
Bà Kiểu vẫn kiên nhẫn:
- Dù sao, ba má sanh ra chỉ có hai anh em…
- Câm ngay. Đừng có giở cái giọng đó với tôi. Tôi có coi nó là em nữa đâu từ ngày nó lấy Mỹ.
Tội lỗi của cô em tính đến nay đã gần hai mươi năm, vậy mà khi nhắc lại lòng ông Kiểu lại trỗi lên lửa giận bừng bừng như mới xảy ra. Bà Kiều không ngờ ông nổi nóng đến như vậy. Thì ra sự im lặng bấy lâu nay của chồng không phải là sự tha thứ. Nó giống như hoả diệm sơn nguội lạnh bên ngoài nhưng chỉ cần một sự chấn động địa chất nào đó thì nó sẵn sàng phun ra biển lửa.
Có tiếng cót két như dây nghiến vào xiên nhà ở sau bếp, rồi tiếng chiếc ghế đẩu ngã. Bà Kiểu hốt hoảng chạy xuống: “Trời ơi, con Hưng…”. Tiếng la làm con Kim Lan choàng tỉnh, tung cả mùng mền chạy xuống. Cả người con Hưng treo lủng lẳng trên cây xiên nhà bằng sợi dây giăng võng có thòng lọng móc vào cổ. Nó ra sức chòi đạp, vùng vẫy hai chân trong khoảng không để thòng lọng thắt chặt hơn nữa. Bà Kiểu run rẩy ôm hai chân nó vẫn bị nó búng tới tấp vào mặt, vào ngực bà. Bà cố hết sức kiềm giữ để con Kim Lan cắt dây. Vừa quị xuống đất ông Kiểu đã sấn tới đánh tới tấp vào mặt, vào đầu nó.
- Muốn chết hả? Muốn chết tao cho chết!
Bà Kiểu nắm tay ông kéo ra. Con Kim Lan đẩy ông suýt bật ngửa.
- Dã man. Thằng cha già dã man.
- Đ.M tới mày nữa hả? Tao giết chết mẹ hết.
- Thằng cha tàn nhẫn. Ông giết nó hả? Nó chết tôi cũng không để ông yên đâu. Một thằng bỏ nhà đi rồi ông cũng chưa vừa lòng nữa hả? Giết đi. Giết chúng tôi chết hết đi để ông sống một mình ông.- Tiếng con Kim Lan sang sảng, làm xáo động sự yên tĩnh vốn có của đêm khuya.III
Đây không phải là lần đầu tiên con Hưng tự tử. Gần một tháng nay bà Kiểu thường hay bắt gặp khi thì nó lục tìm, moi móc tất cả vải vụn ra, xé nhỏ để bện thành dây, khi thì thấy trên tay nó một vốc thuốc đủ loại đã mốc meo, chưa kịp uống. “Sao vậy Hưng? Có chuyện gì vậy con?”. “Con không muốn sống nữa!”. Nó chỉ nói bấy nhiêu đó. Mặc cho bà Kiểu tìm mọi cách vỗ về, khuyên lơn, con Kim Lan, con Nhan lúc la rầy cho là nó ngu, lúc dịu ngọt tâm tình, kể chuyện vui, nó vẫn trơ như khúc gỗ. Bà Kiểu chỉ còn cách khoá tất cả các tủ lại, đem giấu hết những gì bà cho là con Hưng có thể dùng nó để chết, từ những mảnh vải cho đến con dao. Bà luôn canh chừng nó, để theo dõi từng diễn biến. Bây giờ, đến nỗi đi chợ bà cũng không dám bỏ nó ở nhà một mình nữa. Bà khóc thầm nhiều đêm khi nghĩ đến sự thay đổi bất ngờ của con. Mới ngày nào, con Hưng là niềm kiêu hãnh nhất của bà. Là con gái út, nó lại có tất cả những ưu điểm mà bà mơ ước. Phải nói con Hưng là đứa đẹp nhất nhà. Dáng người cân đối mà dịu dàng chứ không cục mịch như con Nhan. Tính tình thuỳ mị, nhã nhặn chứ không hùng hổ như Kim Lan. Nó lại thông minh, nhanh nhẹn chứ không chậm lụt, đần độn như thằng Tèo. Học hành thì siêng năng, chăm chỉ chứ không như thằng Dũng ngày xưa cứ thường trốn học để đi đá banh hay đi coi chiếu bóng. Bởi vậy bà dồn hết tình thương, đặt hết mọi mơ ước tốt đẹp nhất của bà vào nó. Vậy mà bây giờ bà thấy nó không còn là con Hưng của bà ngày nào nữa.
Chuyện bắt đầu từ ngày nó thi rớt Đại học. Mà không, trước đó nữa, từ bữa ông Kiểu đánh nó ngất xỉu phải chở vào bệnh viện cấp cứu.
Hôm đó ông sai con Hưng lấy xe đạp chạy ra tiệm Văn Thái mua mấy hộp sơn Nhật. Mặc dù con Hưng vẫn phải cố gắng làm theo mọi yêu cầu của ông, nó bỏ qua tất cả những sạp, những cửa hiệu bày bán sơn đủ loại đến ngớp mắt, không màng tới những lời chào mời đon đả của chủ khi nó dừng lại ngó dáo dác tìm bảng hiệu, nó len lỏi tìm ra đúng hiệu Văn Thái và nêu đúng mọi điều kiện như ông Kiểu dặn nhưng mụ chủ vẫn bán cho nó loại sơn giả. Hình thức y như thứ ông Kiểu đưa cho nó coi. Chất sơn cũng vậy, nếu không phải già dặn trong nghề khó mà phân biệt được. Ông Kiểu tức lộn ruột, cho là nó mua ở một sạp bá vơ nào đó, bắt nó đem trả lại và tìm cho ra tiệm Văn Thái mà mua. Ông nói rằng cửa hiệu này từ xưa đến nay rất có uy tín, chưa bao giờ họ làm ăn thất nhân tâm như vậy. Chưa bao giờ ông mua ở đây mà nhầm của dỏm. Ông không lường được họ rất có uy tín là đối với những thân chủ già nghề như ông, còn lại những khách hàng khác năm khi mười hoạ mới ghé một lần thì cái uy tín kia cũng chẳng ích gì khi chén cơm, túi tiền của họ.
Mặc cho ông Kiểu lồng lộn, con Hưng vẫn không đi đổi. Nó vẫn không buồn cãi lại sau khi nói rõ là nó mua đúng nơi ông chỉ. Điên tiết vì sự lì lợm của nó, vì nó coi thường mệnh lệnh của ông, ông Kiểu đã không kiềm được đôi tay hộ pháp của mình. Dưới những cú đấm trước ngực, sau lưng con Hưng không la được tiếng nào, chỉ hự hự mấy tiếng trong cổ họng rồi quị xuống góc tủ…
Từ hôm đó con Hưng trở nên lơ láo, quên nhớ thất thường. Tiếp theo là việc nó thi rớt Đại học Y khoa. Ước mơ trở thành bác sĩ bây giờ chỉ là một giấc mộng. Sau cú “sốc” ấy nó trở nên lầm lì đến dễ sợ. Suốt ngày không nói tới ai, ở lỳ trong bếp. Có đến mấy tháng rồi con Hưng chưa hề bước chân lên nhà trên. Bạn bè cùng lớp đến thăm cũng không ra tiếp. Đêm đến nó lục đục đến khuya. Khi đinh ninh là mọi người đã ngủ thì nó mới bưng cây đèn trứng vịt ra sau nhà tắm để chong đầu, nằm dài trên nền xi măng như người chết. Bà Kiểu bắt gặp, vừa khóc vừa năn nỉ nó mới chịu vô nhà, để rồi hôm sau vẫn vậy. Mọi người dùng đủ biện pháp để thuyết phục nó chịu đi bệnh viện chữa trị, nó nổi khùng: “Ai đụng đến tui là tui cắn lưỡi”.
Con Nhan đi chùa, đi núi Châu Thới vào những ngày rằm, ba mươi hàng tháng để cầu nguyện, xem bói cho em, may ra tìm được nguyên nhân. Thầy bói sau khi hỏi qua tuổi tác, ngày sinh tháng đẻ của con Hưng, hướng nhà, triệu chứng bệnh… đã chiếm quẻ, nói rằng con Hưng mắc phải vong “Vu hồn lạc mộ”. Ông giải thích: “Trong ngôi nhà cô hiện nay có một ngôi mộ lạng. Ngôi mộ cổ và vô chủ nên lâu ngày biến thành đất bằng. Vì không phân biệt được đâu là mộ đâu là đất bằng nên khi làm nhà ngôi mộ đã nằm gọn trong đó. Bây giờ không những nó hại em cô mà còn phá tất cả mọi người trong gia đình”. Nhan về kể lại, bà Kiểu và con Kim Lan đều kinh hãi. Nhưng bà không dám hở môi với chồng. Ông Kiểu vốn không mê tín.
Con Kim Lan tuy tính tình ngang bướng, miệng lưỡi dữ dằn nhưng là người sùng đạo nhất nhà. Cứ mỗi buổi tối con Kim Lan đốt nhang trên bàn thờ Đức Mẹ Quan Thế Âm, miệng lầm rầm đọc kinh Phạn: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da…”. Cúng xong nó thỉnh “Nước của Mẹ” cho con Hưng uống. Con Hưng dằn lấy hắt xuống đất, không nói tiếng nào. Có hôm bà Kiểu nài nỉ khuyên nó uống. Bà khấn lầm thầm xin Mẹ hộ độ cho nó chuyển đổi tâm tánh. Con Hưng nói: “Con có là con nữa đâu mà đổi!”. Nó đổ ly nước xuống nền nhà trong cái nhìn ráo hoảnh.IV
Thằng Dũng vừa mua được chiếc Gobel. Cả nhà vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Bà Kiểu bỗng hiểu ra lý do những lúc gần đây nó đưa tiền cho bà chi xài trong nhà một cách nhỏ giọt. Những năm trước cuộc sống gia đình không đến nỗi chật vật chính là nhờ thằng Dũng. Nó còn trẻ, tay nghề giỏi nên kiếm được nhiều tiền. Nó lại là đứa chí thú làm ăn, biết lo gia đình, không rượu chè, cờ bạc. Sự chèo chống với cuộc sống khó khăn của gia đình bà Kiểu chỉ trông cậy vào nó. Nhưng nhiều lúc bà nghĩ tội cho con. Hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà nó vẫn chưa tính chuyện vợ con. Thằng Dũng cũng không đến nỗi xấu trai nhưng không biết sao các cô gái hầu như xa lánh nó. Bà cũng chưa hề nghe nó nói chuyện yêu đương hay nhắc nhở đến một cô nào. Có lẽ con mình quá cù lần hay vì nó quá nặng gánh gia đình? Bà không hiểu được. Chỉ buồn thương cho con. Khi nó đưa phần tiền chi xài trong gia đình dần ít đi bà Kiểu vẫn nghĩ rằng lúc này công việc làm ăn của nó gặp khó khăn, đồng tiền ngày càng sụt giá lại càng khó kiếm. Nhưng đùng một cái bà nghe con Nhan thỏ thẻ nói là nó bị bồ đá. Thật ra con Nhan cũng chỉ nghe mấy đứa bạn cùng xí nghiệp hộp quẹt nhà ở gần cô bồ của Dũng kể lại. Dũng đã vớ phải một cô ả có máu mặt. Sau thời gian quen biết, với những ngón nghề trong nghệ thuật yêu đương cô ả đã moi được của anh chàng Dũng một máy may, một chiếc nhẫn vàng, quần Jean, áo pull… rồi thì… coi như xong. Thằng Dũng chỉ biết “Bắt thang lên hỏi ông trời…”. Gần đây bà Kiểu biết nó có quen với một cô y tá trong dịp nó nằm điều trị sốt rét. Bà muốn khuyên con nhưng nghĩ dù sao nó cũng đã lớn và đã một lần vấp ngã nên thôi. Nó sắm chiếc xe chắc là để chở cô ấy đi phố, cũng tiện cho việc đi lại xí nghiệp của nó. Chiếc xe đã cũ nhưng máy còn tốt. Cả cha lẫn con đều làm thợ sơn, sơn toàn xe du lịch với xe đò mà quanh năm suốt tháng chỉ đi bằng xe đạp. Nay nó được chiếc gắn máy, bà Kiểu cảm thấy hãnh diện.
** *
Đã lâu lắm hai cha con mới có dịp ngồi nói chuyện với nhau. Ông Kiểu than:
- Mấy tháng nay tao sơn ba chiếc, cả ba chiếc đều bị bong ra. Vậy là sao?
Thằng Dũng im lặng.
- Chiếc Mazda tao vừa làm chà, trét, lót thật kỹ rồi mà chừng thổi bóng mấy ngày sau chỗ đó vẫn bị phồng!
Thằng Dũng nổi quạu:
- Tôi nói với ông bao nhiêu lần rồi ông không nghe. Cái cách làm của ông xưa rồi, không còn hợp với sơn bây giờ nữa.
- Hả?
- Ông trét cho cố, dày mo. Thổi lót nước nhất, nước nhì còn trét không chờ cho khô thì khi lên màu nó bị rút rồi phồng lên chứ sao?
- Tại sơn chứ trét gì? Hồi xưa tao làm đâu có vậy?
- Nói tới ông là ông nhắc tới hồi xưa. Cái hồi xưa của ông khác.
Vậy là có dịp để ông Kiểu nhắc lại quá khứ, cái thời huy hoàng nhất của đời làm nghề của ông. Thằng Dũng ngồi đực ra mà nghe, mặc sức khó chịu như bị tra tấn. Bởi nó đã thuộc nằm lòng những câu chuyện ông kể giờ nghe chỉ nhàm tai. Nó cho rằng ông gặm nhấm quá khứ, đem cái cách làm cũ rích cách nay mấy mươi năm để áp dụng cho cái thời buổi mà tiến bộ kỹ thuật cùng với sự xảo trá, ma mãnh của con người phát triển theo tốc độ tên lửa. Còn ông, ông muốn các con phải khắc cốt ghi tâm cái quãng đời huy hoàng của ông. Ông muốn cái kinh nghiệm kia phải thấm vào trong máu thằng Dũng, thằng nối nghiệp ông. Khổ nỗi, thằng Dũng từ khi học nghề đã sớm phát hiện ra tay nghề của cha mình quá lạc hậu so với nhiều thợ sơn đương thời nên nó đã lau lách học hỏi, rút tỉa được nhiều kinh nghiệm của nhiều bậc thầy. Nói cho đúng, nhiều lúc nó nghĩ ông Kiểu tự hào cũng chính đáng. Nếu không giỏi sao mới mười tuổi đầu mồ côi cả cha lẫn mẹ đã tự bươn chải nuôi thân còn đùm bọc, nuôi nấng đứa em gái mới hơn năm tuổi. Những năm đó tên tuổi của ông nổi tiếng cả Sài Gòn, Chợ Lớn. Vậy mà ông vẫn nghèo, trong khi nhiều thợ sơn khác tay nghề xoàng xỉnh, chưa đáng là học trò ông mà họ giàu sụ, đi đến xưởng bằng xe hơi riêng. Có lẽ do hoàn cảnh gia đình của họ không đến nỗi như ông. Một mình ông mà lo năm, bảy miệng ăn, không đói đã là sự diệu kỳ rồi chứ nói chi đến chuyện giàu. Nhưng khi các con ông lớn, cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha. Ông vẫn cần cù đầu tắt mặt tối với công việc nhưng tay nghề của ông không được ưa chuộng của khách hàng như trước nữa. Sơn tức là làm lại cho bóng loáng cái đã tróc, đã cũ. Nói vậy chứ không đơn giản chút nào. Ông đã quen với sơn Pháp và cách làm của ông là phù hợp. Vả lại thời ấy cái gì cũng rẻ, giá cả ổn định và cái giả cái thiệt đâu ra đó. Sang đến thời sơn Mỹ, mọi thứ đều tăng vùn vụt nên các công đoạn làm cũng phải giản lược đi. Phải chiều theo ý khách hàng lúc nhận xe, họ cần bóng lộn đến soi rõ mặt trong đó để có thể biểu diễn những đường lả lướt trên đường phố năm, ba tháng rồi sau đó cần thì sơn lại, hoặc họ đòi thứ khác moderne hơn. Rồi bây giờ đụng tới sơn Nhật và hàng lô hàng lốc những thứ cả Tây lẫn Tàu mà trong đó cái thật chiếm một tỉ lệ hiếm hoi thì phải có cách mà xử lý. Ông Kiểu bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Ông không quen thay đổi và không sao quen được với sự tráo trở. Vì lòng tin ở tay nghề và sự tận tuỵ của mình: nó sẽ vượt qua tất cả như ông đã từng vượt qua. Ông không muốn có sự xáo trộn nào khác với bình thường. Các con ông phải làm việc và phải luôn làm việc. Mọi thứ khác ông không cần biết đến. Bởi vậy thấy con Nhan cứ nhong nhỏng ở nhà, tới buổi nhào vô ăn, thằng Tèo cười đã rồi vô lục cơm nguội thì ông chửi. Cuộc đời đã dạy cho ông như vậy mà. Phải làm cật lực, đầu tắt mặt tối mới có miếng ăn. Còn như tụi nó không khéo sẽ hư hết.
- Mẹ, hồi xưa tao sơn đâu có vậy. Tao thổi chiếc nào ngon lành chiếc đó chứ như bây giờ thì tụi bây chết đói rũ xương.
Lần đầu tiên thằng Dũng thấy xúc động trước những lời của cha mình.
- Ba coi, sơn tức là ba cũng đã làm giả rồi. Chứ gì? Làm cho mới cái đã cũ để mọi người nghĩ rằng nó đẹp, nó mới là giả. Người bán thứ để ba làm giả đó họ cũng có quyền bán của giả, thậm chí làm của giả để bán thì có khác gì đâu mà trách họ?
Ông Kiểu thở dài, không nói nữa. Ông vớ lấy cuốn từ điển về cây thuốc Nam chỗ kệ sách của con Hưng xuống đọc. Gần đây những lúc không có việc làm ông giết thời giờ bằng cách nghiên cứu cây thuốc chữa bệnh và lấy làm thích thú.V
Thoáng thấy con Nhan từ ngoài ngõ lấm lét nhìn ông rồi lủi vô nhà cô Phước, ông gọi:
- Nhan, về tao biểu.
Con Nhan về.
- Hổm rày mày ngủ ở đâu?
- Nhà con Thuỵ Khương, để khuya dậy phụ dọn hàng ra chợ với nó.
- Mày không biết bán như người ta sao mà phải dọn phụ. Đừng có xảo trá.
- Bán hả? Vốn đâu? Dọn phụ nó cho tiền hàng ngày đã là may…
- Tiền mày làm đĩ chứ tiền gì dọn hàng.
- Ba muốn tôi làm đĩ không, tôi làm đĩ cho ba coi? Tốt không muốn, ba muốn tôi xấu hả? Tôi làm đĩ, tôi xấu, ba cũng chẳng tốt lành gì đâu!
- Hả, mày nói gì đó? Tao đá chết mẹ bây giờ. Từ nay tao cấm mày bước chân ra khỏi nhà vào buổi tối, nghe chưa?VI
Gần mười giờ đêm. Có tiếng xích lô đậu trước cửa nhà, rồi tiếng kêu cửa. Thấy thằng Tèo nằm quặt quẹo trên xe bà Kiểu la lên hoảng hốt. Cả nhà ùa ra. Người đạp xích lô là anh hàng xóm nhà ở bên kia con hẻm.
- Bình tĩnh, không có chuyện gì đâu. Nó say rượu thôi mà.
- Trời đất!
- Tối nay thấy trong người khó chịu quá tôi về ngủ sớm. Đạp xe tới đường Tú Xương tôi thấy thằng Tèo lăn lộn trên lề đường, ói mửa lênh láng, tôi chở nó về đây.
Thằng Dũng, con Nhan, con Kim Lan xúm nhau khiêng thằng Tèo vô nhà. Bà Kiểu thôi không khóc nữa, lo nấu nước nhúng khăn đắp lên ngực nó. Ông Kiểu tuyệt nhiên không nói tiếng nào. Ông lẳng lặng đi ra trước nhà chỗ trồng mấy cây thuốc Nam, lát sau đem vô đưa con Kim Lan mấy củ thiềng liềng: “Đâm vắt nước rồi đổ vô miệng nó”.
- Tiền đâu mà mày nhậu? – Sáng hôm sau, con Kim Lan hỏi.
- Bán túi mủ với ve chai.
- Mỗi bữa được bao nhiêu?
- Ngàn mấy, hai ngàn.
Bà Kiểu hỏi:
- Con ăn cơm ở đâu?
- Ăn cơm tiệm, uống bia Hải Âu nữa chứ.
Nó móc trong túi ra mấy tấm vé số nhứ nhứ trước mặt con Kim Lan, cười toét miệng.
- Biết dò không?
- Sao không!
Bà Kiểu:
- Con ở nhà luôn nghe Tèo?
- Thôi.
- Tối con ngủ ở đâu?
- Ở chợ, sạp trống thiếu gì.
- Thôi, tối ở nhà ngủ phụ canh con Hưng với má.
Nó cười cười rồi trỏ ngón tay về phía ông Kiểu đang đọc cuốn từ điển cây thuốc Nam. Ông nói vọng qua:
- Mai mày ở nhà phụ chà chiếc xe tao cho một ngàn.
Nó vẫn không trả lời. Thừa lúc ông Kiểu cúi xuống cuốn sách thằng Tèo le lưỡi, nhún vai. Cử chỉ ấy làm mọi người bật cười nhưng ai cũng nhớ đến cái lần nó bị ông Kiểu treo ngược lên cây dừa phía sau nhà đánh đến thâm tím mình mẫy. Con Nhan bỉu môi:
- Nó khôn trời thần chứ khùng gì!VII
Hôm nay cô Phước tổ chức liên hoan trình với đất nước, ông bà, chia tay họ hàng thân thuộc để sáng mai mẹ con cô ra sân bay. Từ sáng sớm cô đã tất bật lo chợ búa, bếp núc. Con Nhan thủ vai đắc lực trong việc làm bếp. Bà Kiểu thì cứ chốc chốc chạy qua chạy lại chứ không ở đâu yên đâu vì thấy vắng bà chừng nửa tiếng là ông Kiểu đã la lối om sòm. Nhưng ở bên nhà “bình chân như vại” như ông Kiểu thì bà không nỡ. Tội nghiệp cô ấy trong ngoài chỉ một thân. Con Kim Lan vẫn đi làm vì không dám nghỉ thêm một ngày nào nữa, hẹn sẽ về lúc ba giờ chiều. Thằng Dũng thì cả tuần nay không ai thấy mặt. Con Hưng vẫn không bước chân khỏi nhà bếp. Nó tuôn ra nào là quần áo rách với một đóng vải vụn rồi ngồi vá víu suốt ngày, không nói tới ai. Thằng Tèo ngồi nơi bộ ván đong đưa chân nhìn cảnh tấp nập bên nhà người cô mà cười hoài. Không ai biết nó nghĩ gì. Bên kia thằng Subi lăng xăng đón tiếp bạn bè, nói cười rôm rả. Khách khứa đến đều lộ vẻ ngạc nhiên trước cảnh căn nhà hôm nay trông lạ lẫm, nó bề bộn mà lại trống toang hoác từ trước tới sau. Ở giữa nhà, nơi trước đây có bức tường ngăn giữa phòng khách và buồng ngủ giờ chỉ còn một vạch dài lồi lõm những miếng gạch vụn nát. Thằng Subi luôn miệng giải thích rằng trước ngày mẹ con nó nhận được giấy báo ba hôm bức tường bỗng nhiên rung nhẹ rồi tuột luốt xuống đất. Cũng may, lúc đó không ai ở gần đó, và đồ đạc trong nhà không hề hấn gì. Ai nấy đều lấy làm lạ, xem như là chuyện khó tin nếu không nhìn tận mắt. Một vài người tỏ ra hiểu biết nói rằng có lẽ ngày xưa nơi đây là đống độn hoặc giếng nước đến khi làm nhà đổ nền không kỹ, vả lại bức tường ngăn không có kiềng chịu nên lâu ngày nó phải sụt xuống. Những lời giải thích ấy được xem là hợp lý nên làm không khí lắng dịu, chuyển sang đề tài khác. Riêng cô Phước không an tâm dù lời giải thích kia có thể là đúng. Trong thâm tâm cô hằn lên nỗi hoang mang không biết đó là điềm báo lành hay dữ. Gọi là điềm lành cũng đúng vì sau đó ba hôm cô đã nhận được giấy báo xuất cảnh, điều mà bấy lâu nay mẹ con cô mong đợi. Nhưng còn điều gì nữa sẽ xảy ra, làm sao mà biết được. Nhìn khách khứa đến đông nghẹt trong ngày cuối cùng cô còn ở quê hương mà ông Kiểu, người anh duy nhất của cô không bước chân qua, nước mắt cô cứ lặng lẽ tuôn ra không kiềm được.
Sẩm tối, cô Phước bước qua sân nhà người anh. Ông Kiểu đang mải mê ngồi xới đất hạ thổ mấy cây thuốc ông vừa tìm được. Cô Phước cúi xuống kề sát tai ông:
- Anh Hai ở lại mạnh giỏi. Mai em đi.
- Ừ.
- Anh trồng cây gì vậy anh Hai?
- Thuốc.
Ông Kiểu vẫn không ngẩng lên, mải mê xới đất bằng mũi dao phay. Nói làm gì tên cây thuốc với nó. Thứ mất gốc.
Lúc trưa, khi nhà cô Phước khách khứa tấp nập, ông Kiểu thấy gay mắt, không thèm ngó. Nhưng ở bên nhà ngồi đứng cũng không yên, ông dẫn chiếc xe đạp ra ngõ rồi đạp thẳng ra ngoại ô hóng gió. Vào mùa này hai bên đường ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, đất nứt nẻ. Những con bò kiên nhẫn ngoạm bứt những gốc rạ khô rụt. Bỗng thấy bên vệ đường một đám cỏ xanh um, tươi tốt vậy mà không một chú bò nào béng mảng tới. Ông Kiểu ngạc nhiên đứng nhìn những chú bò ngu ngốc. Đến lúc hỏi ông lão cuốc đất mới vỡ lẽ đó là đám đoạn trường thảo mà ông đã đọc được trong cuốn từ điển cây thuốc nhưng chưa có dịp gặp. Hèn gì, loài bò ngu dốt kia cũng hiểu được nếu ăn phải chúng sẽ đứt ruột nên đã lảng xa. Ông Kiểu bứng một ít đem về trồng thí nghiệm trên mảnh vườn thuốc Nam của ông.
Say sưa với công việc, ông chẳng buồn trả lời cô em. Cô Phước lặng lẽ ra về. Cô bắt gặp thằng Tèo với thằng Subi đang bắt tay nhau. Lâu lắm tụi nó vẫn chưa chịu buông nhau ra. Thằng Subi thì cười cười, nói nói gì đó cô không còn nghe nữa. Thằng Tèo đứng đó lặng thinh, ngây độn và đầm đìa nước mắt. Tim cô bỗng nhói đau.VIII
Mẹ con cô Phước ra đi ít lâu, sự xáo động trong tình cảm mẹ con bà Kiểu cũng dần lắng xuống. Cuộc sống vẫn bình thường trôi như cái bình thường của nó vốn có. Chỉ có ông Kiểu không hiểu sao ít nói hẳn đi. Cứ mỗi chiều khi đã xong công việc chuyên môn ông xách nước tưới mảnh vườn thuốc, rồi bất chợt ông nhìn sang nhà cô em. Có lúc bà Kiểu bắt gặp ông đứng chôn chân như thế không biết bao lâu. Những lúc ấy trước mặt ông Kiểu không là ngôi nhà nữa mà chỉ là bức tường trắng cứ lớn dần, lớn dần choáng hết cả tầm mắt.
Bây giờ vườn thuốc của ông cũng không còn những cây đoạn trường thảo nữa. Bởi cách đó một tháng bà Kiểu phát hiện được loài cây độc nên nài nỉ ông nhổ bỏ vì sợ con Hưng lên cơn khùng ăn bậy. Tuy vậy, chỗ đất đó ba bốn năm sau vẫn không một loài cây nào sống nổi.1988
Tác giả giữ bản quyền. Chọn từ tập truyện "Tên một loài cỏ" của Nguyên Tùng |
0 Trả lời:
Đăng nhận xét