1 thg 2, 2010

Tiếng hú trong đêm hội Lăng - truyện ngắn của NGUYÊN TÙNG

Tôi chụm hai bàn tay vòng quanh miệng thành hình loa định hú một tiếng, thì nghe tiếng Miên từ trong nhà vọng ra:
- Điên hả?
Tiếng cười Miên vỡ ra, rũ rượi. Tôi ngượng ngùng, tần ngần một lát rồi lững thững bước vào nhà ngồi xuống chiếc ghế cạnh máy may của Miên. Tiếng trống chầu từng hồi dài giục giã phía bên lăng vọng lại. Trống báo hiệu mọi người hội tụ để cúng lễ đầu tiên của ngày hội lăng. Nắng đã tắt. Dòng sông trước mặt tôi đã nhàn nhạt bởi ánh trăng.

- Sông bây giờ rộng lắm, không còn ai hú nữa!

Tôi cố đùa để xua đi cảm giác hụt hẫng vừa rồi, nhưng giọng vẫn nghe buồn buồn:

- Thì tôi hú. Lâu ngày về thèm hú như ngày xưa quá!

- Đâu còn cái thời Miên là cô lái đò nữa. Bây giờ người ta đưa khách bằng đò máy, ngày bốn chuyến, giờ giấc hẳn hoi.

Đâu phải tôi ngây thơ quá mức để không nhận ra điều đó. Nhưng không biết sao tôi thấy buồn. Đó là nỗi buồn đầu tiên ngày tôi trở lại làng quê dự hội lăng sau ngót ba mươi năm.

Ba mươi năm. Ừ, khoảng thời gian không phải là dài nhưng cũng đủ làm cho tôi, Miên không còn trẻ trung nữa. Cả Quang. “Quang bây giờ chững chạc và trẻ hơn anh”. Tôi cười khi nghe Miên nói ra cái điều nghịch lý ấy, nhưng về phía tôi. Có nghĩa là tôi già nua, khắc khổ mà hết sức trẻ con. Nhận xét ấy giống như ai đó có lần so sánh tôi với cánh diều. Không cãi, nhưng thâm tâm tôi không thích. Dẫu sao, nó chỉ là vật do người ta uốn nắn, phất lên lớp giấy bồi với sợi dây lèo nghiệt ngã. Nó bay liệng, hát ca nhưng trẻ con quá khi quên rằng dưới ức và bụng nó lúc nào cũng có sợi dây khi chùng, khi thẳng. Tôi thích là cánh chim hơn dẫu chỉ là con sẻ tầm thường. Là chim thì cũng không thể nào vượt qua khỏi cái không gian giới hạn của nó. Vậy mà tôi chấp nhận nó như chấp nhận cái thực thể là tôi có mặt trên cõi đời này.

- Quang không về đây nữa, lâu rồi. Ngày Tết và cả ngày hội lăng này.

Miên nói khi chúng tôi đi băng qua đồng muối, tiến về phía tiếng trống. Trăng sáng lóa hắt lên từ dưới những khung ruộng muối đầy ắp nước. Trăng sáng quá nhưng bàn chân tôi cứ mãi bị trợt dưới ruộng. Không biết vì bờ quá nhỏ hay vì tiếng trống cứ thúc liên hồi. Ba mươi năm rồi, tiếng trống cứ mãi giục đến ríu cả chân, nôn cả ruột gan như lúc tôi còn là đứa trẻ con mười hai tuổi. Mãi sau tôi mới hỏi lại Miên:

- Lâu về hay không về?

Miên vẫn không quay lại:

- Với anh thì là lâu về. Còn Quang bây giờ có thể nói là không.

- Chắc vì Quang bận. Ở cương vị anh ấy...

Tôi không thể nói hết câu vì tiếng cười của Miên. Tiếng cười nhỏ nhưng cay độc, nó vạch trần được suy nghĩ của tôi.

- Ai buộc anh phải biện hộ khi lời biện hộ đó không thật với lòng anh. Tôi có bắt anh phải tin tôi đâu, nhưng lời anh vừa nói là dối.

- Sao Miên biết?

- Ở cách nói, ở giọng điệu. Những người như anh thì nói dối tồi lắm, người ta nhận ra ngay thôi.

Tôi chịu. Và cảm thấy sợ cô gái này. Cũng phải thôi, vì tôi biết rằng Miên hiểu Quang nhiều hơn tôi. Miên đã đánh đổi cái thời tươi đẹp nhất của mình để hiểu Quang. Còn tôi, dẫu gì tôi cũng có khoảng thời gian cách biệt.

Bộ ba chúng tôi gắn bó với nhau từ những ngày thơ ấu. Chúng tôi sinh ra, lớn lên ở cái làng quê heo hút ven biển này. Quanh năm chỉ toàn nước mặn. Xóm chúng tôi chỉ lơ thơ vài ba chục mái nhà cụm trên bờ hạ lưu của sông Ba Lai. Thuở ấy sông không rộng lắm. Đứng bên này hú một tiếng thì người lái đò bên kia sông đã nghe, quay mũi chèo qua. Tôi, Quang và cô bé Miên suốt ngày cứ lê la ở bờ sông mặc cho cha mẹ đứa nào cũng la rầy, có hôm tôi cũng no đòn nhưng tánh nào tật nấy. Làm sao chúng tôi bỏ được cái thú đuổi theo những chú còng gió. Buổi trưa nắng gắt, trên khu láng trống sát mé bãi như rực lên một màu hồng chấp chới. Những chàng nhạc sĩ còng đang nhịp càng một cách đều đặn và say mê. Chúng tôi nấp vào sau những mô đất theo dõi. Thảng hoặc có một vài chú nhịp lạc đi cái nhịp của cộng đồng bỗng xếp càng lại chạy vòng quanh một lúc rồi trở về vị trí cũ mà bắt vào cái nhịp chung. Chúng tôi ngồi im và có khi ghìm cả hơi thở chờ có dịp là nhào ra tóm một chú ở gần nhất hoặc đuổi theo một chú lạc hang. Chỉ là thú vui hết sức vô tư thôi chứ nào phải để làm gì. Nếu cần bắt, chỉ một cây móc trong tay là phút chốc đã có cả chục con. Đuổi mãi cũng chán Quang mới nghĩ ra cách khác. Cậu ta lấy sợi nhợ thắt thòng lọng vòng quanh miệng hang, sợi dây được dẫn ra xa hàng chục mét và chúng tôi nằm rạp xuống mặt đất chờ. Chú còng thấy yên tĩnh bèn bò lên miệng hang nhịp. Quang giựt, chú còng bị mắc càng vào dây. Vậy là được một trận cười giòn giã.

Chúng tôi thích kéo nhau ra bờ sông còn vì một lý do khác nữa. Chỉ cách một dòng sông, một tiếng hú dài nghe được mà như hai thế giới cách xa. Bên này bờ sông khu xóm nhà tôi trơ trọi, hoang dã, hiu hắt bao nhiêu thì bên kia sông xóm làng trù phú, sung túc và nhộn nhịp bấy nhiêu. Dãy nhà ngói đỏ tươi ẩn hiện sau hàng dương là điểm thu hút tầm nhìn của bọn trẻ chúng tôi. Những buổi sáng, mặt trời lên đến ngọn dương, nước sông đầy ắp dội lại tiếng máy chà lúa, những đám khói bốc cao lan tỏa của lò nấu muối càng làm tôi mê mẩn. Tôi ngồi ở bến đò nhìn qua mơ ước một ngày nào đó khu xóm chúng tôi cũng được như bên ấy.

Rồi chiến tranh. Chiến tranh đã hun đúc ước mơ của chúng tôi thành một khối. Miên là cô lái đò đưa khách và đưa người chiến sĩ qua sông.

Thoắt cái đã ba mươi năm. Tâm trí tôi đang mải lùi về với ước mơ thời tuổi nhỏ, chợt rợn người khi tiếng cười ma quái cất lên. Dưới tán cây mấm khổng lồ lấm tấm những vệt trăng, một bóng đen thô kệch, méo mó, đầu tóc bù xù mặt quay nhìn lòng lạch cạn queo cười điên dại. Xong trận cười là chuỗi dài những lời lảm nhảm không ai nghe được gì. Lại một tràng cười, đôi khi chỉ là sự há miệng rộng hoác mà không thành tiếng. Mặc cho tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng đàn hát cúng bái rộn rịp phía trong lăng; mặc cho tiếng cười, tiếng nói, tiếng chân rậm rịch chung quanh, người ấy đứng hướng mặt về phía lòng lạch cạn khô cười nói một mình.

- Anh nhớ ai không? - Miên hướng mắt về phía khối đen, hỏi tôi.

- Nhớ. Ngày xưa mình hay theo sau lưng bà vỗ tay la ầm lên: Bà Đáng là bà Đáng điên, bà không tham tiền...

- Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Vẫn lang thang khắp làng, ai cho thì ăn, không cho thì thôi. Không mời, đói lả vẫn không mở miệng hỏi xin. Không biết ăn cắp, ai bỏ tiền trước mặt vẫn chửi: đồ hư. Miên cười rộng lượng, tiếng cười rất thật với cô bé Miên ngày nào.

- Miên đúc kết nếu không phải về bà Đáng thì đó là một người hoàn thiện, rất tốt và rất... người.

- Không. Một người như vậy người ta vẫn cho là điên! Anh biết không, bà ấy điên điên, dại dại vậy chớ năm nào cúng lăng cũng có mặt bà.

- Vậy là cũng có lúc bà tỉnh và nhớ?

- Không ai biết. Thường ban đêm bà không đi đâu. Chỗ ngủ duy nhất của bà là một góc của trường học cách đây hơn cây số. Chỉ đêm này hàng năm là bà có mặt. Còn Quang tỉnh và nhớ nhưng đã mười lăm năm nay không về!

Ôi, Miên đã kéo tôi về với dĩ vãng nữa rồi. Nỗi đau của Miên gấp nhiều lần hơn tôi đã tưởng. Bỗng nhiên tôi không còn thấy hứng thú giữa khung cảnh ồn ào náo nhiệt này mà muốn về nhà Miên, cái quán ở bờ sông, dù là một mình để sống với kỷ niệm. Miên biết không, tôi vẫn nhớ rằng ngày hội lăng là ngày giỗ tổ của dân làng biển. Những người sinh ra nơi đây lớn lên dù có tha phương, ngày Tết có thể không về, nhưng ngày hội lăng nhất thiết phải có mặt. Không ai bắt buộc nhưng mặc nhiên tự mỗi người phải biết. Cảm ơn Miên đã hiểu tôi. Lâu về nhưng tôi vẫn nhớ, không chỉ là ngày hội với những lễ nghi mà từng khu láng trống, những chú còng gió với những con người như bà già điên tuổi gần chín mươi vẫn in đậm trong trí tôi. Và Miên nữa.

*

* *

Hơn mười năm, Miên đã theo Quang lên thị xã. Anh thu xếp cho Miên một chỗ làm nơi cơ quan bạn có phần vượt hơn khả năng của cô. Họ đến với nhau thường xuyên, nồng nhiệt như lứa tuổi đôi mươi. Cặp tình nhân đẹp đôi ấy đã làm cho rất nhiều người ao ước đến mức thoáng chút ganh tị. Từ hàng lãnh đạo đến nhân viên của cả hai cơ quan đều mong chờ ngày vui nhất trong đời của họ. Có đến hàng trăm lần Miên đã sống với ngày ấy trong mộng. Quang đến rồi đi với bao lời hứa. Miên vẫn khát khao mãnh liệt, vẫn mơ ước đến cháy lòng cuộc sống hạnh phúc của hai người. Không phải để mình thành bà nọ, bà kia theo địa vị của anh ấy mà chỉ để thành vợ Quang. Để được sống trọn vẹn với người tình mình đã chọn. Rồi năm tháng va chạm với cảm quan đặc biệt của mình Miên đã nhận ra sự thật. Không phải như bao nhiêu lần ái ân Quang đã rót mật vào tai Miên là vì công việc, vì nhiệm vụ chung hết sức nặng nề nên tình riêng phải đành gác lại. Cán bộ công nhân viên cả hai cơ quan càng ngày càng bàn tán chuyện Quang không thể nào cưới vợ được vì vết thương cột sống ngày xưa giờ đã bị vôi hóa. Không biết tin đó từ đâu và từ lúc nào. Rất nhiều người tỏ ra thương hại, tội nghiệp cho Miên và họ xem vị thủ trưởng của mình như vị thánh sống. Một người chỉ biết lấy công việc làm thú vui, sống trọn đời vì lý tưởng. Không ai nghi ngờ về phẩm chất đạo đức của anh. Bởi vì người đàn ông có chức quyền, danh vọng họ chỉ có thể sa ngã vì gái và tiền. Gái là để thỏa mãn cái dục vọng muôn thuở của đàn ông, còn tiền là để vun quén, cung phụng cho vợ con. Với Quang thì cả hai đều không thể có. Và chính vì vậy anh trở thành ngôi sao lấp lánh nhất trong cơ cấu nhân sự của các vị bề trên. Chẳng bao lâu sau anh đã được cất nhắc. Chỉ một mình Miên hiểu Quang, hiểu được con đường anh đang đi và hiểu rõ cả khả năng đàn ông trong người anh. Nhưng thôi, ai tin Miên. Cô cũng không muốn mình là vật cản. Miên đau nhưng không hề hối hận. Về quê, cô dựng lên tiệm may nơi khu láng trống ngày xưa cạnh bờ sông, chắp vá bao kỷ niệm. Hàng ngày, những chú còng gió cứ tha hồ nhịp. Lũ trẻ bây giờ không nghĩ được cái cách chơi lắc léo như Quang ngày nào.

*

* *

Nồi cháo sò sôi ì ạch một cách lười nhác. Tôi cời than ra để dần thêm ấm nước. Miên đã mạn xong chiếc áo của anh thợ đáy lúc chiều đem đến. Bỗng Miên hỏi tôi, câu hỏi mà tôi không hề chờ đợi:

- Anh thấy làng mình thay đổi nhiều không?

- Về cái gì?

- Về tất cả, như ước mơ ngày xưa của ba đứa.

Vô ý tôi đã đặt ấm nước chông chênh trên một thanh củi to còn cháy dở làm ngã nhào. Những hòn than đỏ rực tắt ngấm. Khói bốc lên làm tôi cay xè đôi mắt. Bực với chính mình, tôi bỏ mặc chiếc ấm nhếch nhác bụi than, đi lại bộ vạc tre ngồi phịch xuống. Bây giờ Miên hỏi giục tôi bằng ánh mắt:

- Tôi thấy bờ sông giờ đã xa hơn. Lòng sông rộng hơn. Làng bên kia càng giàu hơn. Tiếng cười của bà Đáng nghe ghê hơn. Và Miên già hơn.

- ... Anh thì trẻ con hơn!

Tôi ngắc ngứ và nghe lòng đau thắt. Phải, tôi quá trẻ con bởi bao năm rồi tôi cứ ngỡ rằng Miên hạnh phúc. Là cô lái đò Miên đã đưa Quang cập bến. Anh bước lên bờ hẹn ngày trở lại. Nhưng rồi không.

Ngoài sân, những khung ruộng muối đầy trăng. Làng tôi hôm nay sao nhiều trăng quá. Trăng lồng trong những khung ruộng muối đầy ắp nước, càng làm tăng thêm cái ánh sáng lạnh lẽo và có phần giả tạo. Tôi bước vội ra ngoài ngồi xuống lấy tay khỏa nước trong một khung ruộng muối. Những gợn sóng lăn tăn đã băm vằm mảnh trăng ra từng mảnh nhỏ. Ừ, tất cả chỉ là ảnh ảo. Tôi nhủ thầm như vậy. Thật kỳ lạ, những gợn sóng băm vằm mảnh trăng ấy không thể xóa nhòa mà càng lúc càng rõ nét khuôn mặt méo mó, cùng tiếng cười ma quái của bà Đáng. Tiếng trống, tiếng đàn bên hội lăng đã ngưng từ lúc nào trả lại cho khu xóm lơ thơ vài ba chục mái nhà này một sự im ắng, nhuốm phần chết chóc. Phải chi có tiếng gọi đò. Trong mơ hồ tôi cảm giác tiếng gọi đò sẽ làm thức dậy cái khung cảnh im lìm đáng sợ này. Ôi, tôi thèm một tiếng hú.

Chạy ra bờ sông, chụm hai bàn tay vòng quanh miệng tôi hú một tiếng dài. Tiếng hú vang lên, vươn dài trên mặt nước bàng bạc ánh trăng rồi mất hút trong hiu hắt của màn đêm.

Tôi quay vào như người kiệt sức. Bỗng tôi khựng lại sững sờ vì trước hiên nhà Miên có một bóng đen đầu tóc bù xù đang ngửa mặt nhìn trăng cười điên dại. Tiếng cười không có âm thanh.

11/1990



Tác giả giữ bản quyền.

N.T (Bến Tre)

0 Trả lời:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More