Không phải là giấc mơ. Bất chợt một rừng kiểng điệp trùng với đủ mọi hình dạng, tư thế sừng sững hiện ra làm ông Thiện tưởng mình hoa mắt. Chính lúc ấy, ông nghe bên trong ngöïc trái mình giật thót. Một cảm giác nhói buốt đến khó thở. Tay ông run và bước chân lảo đảo.
- Ông anh sao vậy? Không khoẻ à? - Một ông tuổi khoảng sáu mươi có cái bụng như người đàn bà có bầu tám tháng đi bên cạnh hỏi.
- Bác có bị cao huyết áp? Hay là cảm nắng? Thôi, để cháu dìu bác vô nhà. Kia, anh Sơn đang đứng ở hòn non bộ, để cháu cho ảnh hay. - Tiếng của người đàn ông trung niên có mái tóc dài quăn tự nhiên, ra vẻ là một nghệ sĩ.
Ông vội lắc đầu:
- Không sao. Đừng nói với chú ấy. Khách đông quá mà! Tôi ngồi đây nghỉ một chút là khoẻ. Già rồi, sinh ra trở chứng, thất thường vậy!
Anh đỡ ông Thiện ngồi xuống chiếc băng đá mài có in dòng chữ: "Đại lý phân bón Anh Tèo – Kính tặng", rồi ngồi xuống cạnh ông. Lúc này anh ta mới để ý đến cặp mai chiếu thuỷ cổ thụ được trồng trong hai chậu sứ Giang Tây có đường kính cỡ một mét trước mặt. Có lẽ chủ nhân cố ý đặt chiếc băng đá ở đây để tiện cho việc chiêm ngưỡng chúng. Không kềm được sự kinh ngạc của mình, anh reo lên:
-Tuyệt vời. Trời ơi, tuyệt vời. Ông này tìm đâu được cặp kiểng quá độc đáo! Bác thấy không? Theo cháu, đây là cặp kiểng có một không hai.
Ông im lặng. Nhưng từ sâu thẳm lòng ông có tiếng trả lời: "Chú em nói đúng. Điều đó qua và những ai từng biết nó đã khẳng định như vậy cách nay gần nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian vời vợi ấy, nó đã xa qua vừa đúng ba mươi năm".
Ba mươi năm. Hơn một vạn ngày ông không còn được sờ vào nó để vuốt ve hay tỉa tót, chăm sóc. Nhưng cũng từng ấy đêm nó cứ len vào giấc ngủ của ông. Không chút bình yên. Nó ám ảnh ông trong cái thế, cái dáng uy nghi, ngạo nghễ mà trong một phút xuất thần ông đã tạo ra, không theo một khuôn thước sách vở nào. Có khi tỉnh dậy, người đầm đìa mồ hôi, tâm thần hoảng loạn bởi trong mơ ông thấy chúng tan tác vì một trái cà nông nhểu trúng. Như kẻ mộng du, ông xiêu vẹo đi ra trước hiên nhà, tần ngần đứng lặng nhìn hai khoảng tròn trống trải. Đó là nơi cặp kiểng cổ mà ông đặt tên là Vi - Diệu – cũng không theo một ước lệ nào của dân trong nghề thường đặt - từng đứng. Sau một lúc trấn tĩnh, ông lững thững trở vô nhà. Vậy là thức đến sáng. Trăm lần như một. Năm này qua năm khác. Ông ngồi với bình trà nhỏ xíu, loại độc ẩm, chỉ rót vừa đúng ba chung cỡ nửa trái cau đã được cắt ngang. Ngồi trong cái vùng ánh sáng không hẳn yếu ớt cũng không hẳn mạnh mẽ - thứ ánh sáng vừa đủ thấy dáng vóc chứ chưa rõ diện mạo - của chiếc bóng đèn cà na đỏ chót trên bàn thờ. Bây giờ trước mắt ông không còn hai khoảng tròn nhờ tối ấy ám ảnh nữa mà được lấp đầy bằng hình ảnh của cặp kiểng ngày nào. Nó hiện về với bao buồn vui, bao thăng trầm của một đời cây nhưng cũng chính là bao nỗi thăng trầm của cuộc đời ông.
Có lúc ông Thiện tự an ủi rằng nếu những người đưa chúng đi ngày ấy mà nói thật thì cũng là may cho chúng. Chúng đã đứng vào cái vị trí xứng đáng… Ông không ngờ chúng lưu lạc tới đây. Mà sao như vậy được?
Người tên Sơn lúc nãy anh tóc quăn ra dáng nghệ sĩ định gọi chính là chủ nhân của vườn kiểng rộng gần hai công đất, có rất nhiều cây thuộc loại đắc địa khiến khách tham quan dù sành sõi chơi kiểng khó tính đến đâu cũng buộc phải trầm trồ thán phục. Là chủ nhân của ngôi nhà tám đấm, tám khuyết gồm tất cả tám chục cây cột toàn bằng gỗ căm xe, mà hôm nay là ngày tân gia.
Ông Thiện không ngờ Sơn còn nhớ đến ông. Từ lâu theo dõi trên đài, trên báo ông biết Sơn là chủ tịch tỉnh H. cách nhà ông hơn trăm cây số. Cách nay ba hôm Sơn tìm về thăm ông, ân cần rước ông lên nhà một chuyến dự tiệc mừng tân gia. Sơn nói với ông Thiện rằng, gần sáu mươi tuổi rồi, sắp sửa về hưu anh mới hoàn thành được ý nguyện. Một là về thăm những ân nhân đã nuôi nấng, cưu mang mình trong những năm chiến tranh mà ông Thiện là người anh nhớ đến trước tiên. Hai là cất được căn nhà theo lối cổ, vừa truyền thống, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Thiện xúc động và cảm phục hết sức. Bây giờ mấy ai nghĩ được như Sơn. Nhất là ở địa vị xã hội như anh ấy giữa thời buổi "bê tông hóa" người ta đua nhau xây nhà cao tầng thì lại có người còn nghó đến chuyện cất nhà bằng gỗ. Vậy là ông vui vẻ nhận lời.
Ông Thiện choáng ngợp trước công trình kiến trúc quá ư đồ sộ, nhất là nó lại nằm trong một khu vườn cây cảnh nghệ thuật tuyệt vời. Những tấm hoành phi, câu đối chạm khắc tinh vi; những bộ trường kỷ, tủ thờ cẩn xà cừ lấp lánh; những bàn ghế, đi văng bằng đá cẩm thạch mát lạnh cộng với những thiết bị hiện đại như đèn chùm, tủ lạnh, ti vi "siêu mỏng", vi tính đời mới… tất cả tạo nên ấn tượng đúng như ý nguyện của chủ nhân: "cổ kim hòa hợp".
Khách mời được chọn lựa rất kỹ, nhưng rất đông. Ông Thiện ước tính phải trên trăm người. Theo như Sơn nói với ông Thiện hồi hôm, đó toàn là những vị mà anh ấy mang ơn và người mang ơn anh ấy. Ông Thiện không tiện hỏi ơn gì. Và Sơn cũng không giải thích. Trong lúc chờ đúng giờ hoàng đạo và cũng để trống chỗ cho tiếp viên nhà hàng - Sơn đã đặt nấu sẵn, chở tới - bày biện, anh mời họ tham quan vườn kiểng. Ở đây cũng thể hiện rất rõ tư tưởng của chủ nhân với sự kiên định không gì lay chuyển được.
Nhìn tổng thể khu vườn hình chữ nhật được khu biệt bởi bức tường cao khỏi đầu người. Chính giữa là một cái hồ ngang khoảng tám mét, dài gần năm mươi mét nuôi đồi mồi và cá tai tượng. Thành hồ được lát bằng những tảng đá xanh. Trên mặt bằng xung quanh hồ được chia làm hai ô cách nhau bởi một lối đi bê tông rộng khoảng bảy tấc. Ô phía trong giáp với tường rào trưng bày đủ loại bon sai, biểu tượng cho cái mới, cái hiện đại; còn ô phía trong gần hồ toàn kiểng cổ, mang đậm chất truyền thống. Và trong số hàng trăm cặp kiểng cổ này ông Thiện chợt nhận ra Vi – Diệu.
*
* *
Lần đầu tiên ông bắt gặp nó là năm ông hai mươi bảy tuổi. Không biết nó đã tồn tại bao lâu. Cũng không biết nghệ thuật cây kiểng đã thấm vào máu ông từ lúc nào, để khi gặp nó ông đã linh cảm gắn bó như có căn duyên từ kiếp trước. Hồi ấy ông chỉ là anh thanh niên chuyên nghề bó nhánh, chiết cành cây ăn trái, cây kiểng cho nhà vườn ở xứ Hưng Vĩnh. Là thợ lành nghề, nổi tiếng mát tay vì tỷ lệ cây do anh chiết, ghép sống đạt đến mức tuyệt đối nên Thiện được chủ vườn rước đi liên tục. Rày đây mai đó, bắt gặp rất nhiều loại cây kiểng với hình dạng kỳ thú làm anh mê mẩn. Thời ấy chưa có phong trào chơi bon sai. Dân sành sõi, nhà nghề chỉ chơi kiểng cổ. Vẫn chỉ là các dáng trực, xuy phong, mẫu tử... với những thế tam cang ngũ thường, tam tùng tứ đức hay long thăng, long giáng... vậy mà trước vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt của từng cây, Thiện như bị chúng hớp hồn. Nhiều lần đi theo Sư thầy Huệ Trung phụ giúp bó nhánh, chiết cành hay bứng gốc kiểng vô chậu ở vườn chùa Thiện đã có thêm kiến thức về lãnh vực này.
Sư thầy Huệ Trung thật sự là một nghệ nhân. Những cây nguyệt quế, mai chiếu thủy, cần thăn hay kim quýt mới ngày nào Phật tử đem hiến cho chùa còn quá non nớt, tầm thường vậy mà mấy năm sau, qua bàn tay nghệ thuật của thầy chúng như có linh hồn, mỗi cây mỗi vẻ. Cảm nhận được niềm đam mê cái đẹp hết sức thuần khiết của Thiện, Sư thầy truyền dạy cho Thiện kinh nghiệm, triết lý trong từng dáng thế của từng loại. Và nhất là cách nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của cây mà không phải ai, không phải lúc nào ta cũng thấy. Sư thầy giảng giải: "Đôi lúc nó hiển hiện trước mắt mà ta vẫn không nhận ra. Phát hiện ra cái đẹp ẩn tàng rồi còn phải có cái tâm, cái ý nâng nó lên, phát huy hết thế mạnh của nó để qua thời gian nét đẹp ấy càng phát lộ sâu sắc hơn, độc đáo hơn".
Trong một lần đi bó nhánh nhãn ở Hòa Thạnh, Thiện đã gặp Vi – Diệu. Chủ nhân là hai chị em ruột tuổi gần bảy mươi không chồng con ở trong một ngôi nhà cột kê lợp ngói âm dương trông vẻ cổ kính nhưng đã xiêu vẹo. Trong nhà không vật gì đáng giá nhưng nó gây cho người lạ sự trọng vọng, nể vì bởi mấy cuốn sách chữ Nho, giấy mỏng tang, ố vàng được đặt ngay ngắn, trang trọng ở một góc bàn thờ gia tiên. Đáng chú ý là trước cửa nhà có cặp mai chiếu thủy mà thoáng nhìn qua Thiện biết ngay là "của độc". Thân nó sần sùi, u nần và ở gốc to gần cả vòng tay. Thế đứng thẳng cao khoảng ba mét theo kiểu chiết chi. Chín tầng nhánh to tròn, khỏe khoắn từ thấp lên cao đan bện chặt chẽ mà không kém phần uyển chuyển, tạo nên tư thế vừa vững chãi, vừa mềm mại lẫn chút thách thức. Cái chất vừa cương vừa nhu được kết hợp hài hòa trong một tổng thể, chỉ tiếc rằng nhánh lá thừa thãi quá nhiều chứng tỏ nó bị bỏ quên từ lâu. Và chính những tiểu tiết thừa thãi, phát triển vô tổ chức mà quá um tùm, xanh tốt kia đã che khuất vẻ đẹp kín kẽ tự thân của cặp kiểng thuộc hàng cổ thụ.
Thấy Thiện đứng ngây ra như bị hốt hồn, hai bà cô lộ vẻ xúc động. Sự chiêm ngưỡng thành kính đến mức mất cả hồn vía của người đàn ông trẻ đã chạm đến vùng ký ức thiêng liêng của hàng hậu duệ, khơi dậy trách nhiệm của những người thừa kế. Bà chị nói như người có lỗi:
- Thật tội cho chúng. Hồi ba của bà còn, trông chúng uy nghi lắm. Giờ, hai bà dốt, không biết tỉa tót nên chúng chẳng ra hình thù gì.
Rồi bà kể rằng: Hồi còn nhỏ xíu hai bà đã thấy chúng bự vậy rồi. Hỏi ba, ba nói chúng có từ thời ông nội. Nghe vậy thì biết vậy. Rồi cũng chẳng để tâm. Đàn bà con gái mà, mấy ai để ý, chăm chút đến cây kiểng. Ba của hai bà là một ông đồ Nho nghèo, sinh bất phùng thời, sống lặng lẽ như người ở ẩn. Ngoài đọc sách ông còn một niềm đam mê thanh khiết khác là thú chơi cây kiểng. Ông đã gầy dựng được hàng trăm chậu kiểng lớn nhỏ, đủ loại. Có một điều lạ là tuyệt nhiên ông không bán, dù biết bao người giàu có đến hỏi mua. Nhưng ông sẵn sàng biếu tặng cho bạn bè thân thiết đam mê và am tường cái đẹp. Lời ông nói vậy thì bà nói lại vậy chứ không hiểu "Cái Đẹp" mà ông nói ẩn chứa điều gì.
Ông nói với hai bà:
- Nhà mình nghèo, tía không có đất đai nhiều để lại cho hai con. Hai công nhãn thời buổi này chắc không đủ sống. Mấy chục năm nay tía gầy được hơn trăm chậu kiểng. Mỗi chậu đều có nét độc đáo riêng. Tía không bán là muốn làm của để lại cho hai con sau này. Đó cũng là cái tính của tía. Tía là người chơi kiểng vì đam mê, ngoài ra không có mục đích nào khác. Các con thì tía không ép. Nếu đời sống khó khăn, nghèo túng hai con bán dần cũng có thể sống được. Hoặc nếu cần số vốn lớn làm ăn thì bán đi một lượt. Có điều không nên bán cặp kiểng này. Không thể tìm được cặp thứ hai. Người chơi kiểng nhà nghề chỉ cần có nó là đủ.
Ngay từ lúc nhìn thấy, trong Thiện lóe lên ý muốn mua chúng, dù rằng giá rất mắc. Nhưng nghe bà già nói vậy anh vội từ bỏ ý định và cảm thấy xấu hổ. Mình quá tầm thường, nhỏ bé trước suy nghĩ của ông cụ, dù được truyền đạt lại bằng lời lẽ của một bà lão quê mùa.
Như có cái duyên, từ đó Thiện tự nguyện tới lui chăm sóc chúng. Cứ vài ba tháng anh đạp xe hơn hai mươi cây số từ Hưng Vĩnh lên Hòa Thạnh tỉa tót, uốn nắn cặp kiểng. Hai bà già mừng đến rơi nước mắt. Lần nào họ cũng nài nỉ Thiện nhận chút đỉnh tiền công nhưng anh đều khước từ. Anh biết để có được số tiền đó hai bà già phải tiện tặn, dành dụm từng đồng. Vả lại, tự thâm tâm Thiện xem ông cụ nhà này như một bậc thầy dạy cho anh biết cái tâm, cái đức của một nghệ nhân, dù anh chưa một lần gặp mặt. Chính vì vậy nên được hai bà già cho phép anh chăm sóc cặp kiểng của ông cụ, đối với anh là một hạnh phúc.
Nhưng rồi chuyện ấy cũng không kéo dài được lâu. Bẵng đi hơn một năm, anh không đi Hòa Thạnh vì tình hình chiến sự vùng này ngày càng trở nên ác liệt. Bỗng một hôm đi chợ để mua thêm vật liệu làm nhà, anh nghe người quen nói lại là có một bà già chủ nhân cặp kiểng nhắn anh lên gấp. Không rõ chuyện gì. Bươn bả đạp xe đi, Thiện quên cả chuyện có khi giữa đường gặp lính quốc gia và mấy ông giải phóng "đụng độ", hay đường sá bị "đắp mô", hoặc cà nông từ Chi khu Phú Nhơn bắn xuống.
Bà già đón anh bằng nụ cười méo xệch, hai dòng nước mắt lăn dài. Chỉ mới hơn một năm mà bà già đi nhiều. Lưng còng xuống làm cho thân hình ốm yếu càng trở nên quắt queo. Bà chỉ còn lại một mình, người em bà đã chết cách đó sáu tháng vì một viên đạn lạc. Bà chỉ vào hai cây kiểng trước sân, cành lá u xù không còn ra hình dạng, nói trong nước mắt:
- Cháu hãy đem chúng về chăm sóc giúp bà. Bà không thể giữ được nữa rồi!
Thiện ngạc nhiên đến sững sờ. Tưởng mình nghe nhầm. Thì ra bà nhắn anh lên là vì việc này.
- Bà yên tâm. Cứ để nó ở đây, con cố gắng lên tỉa cho.
- Để đây là không còn. Hôm trước thằng trưởng đồn Tỵ nó đến nài mua. Nghe đâu nó mua là để biếu ông quận trưởng để được thăng cấp.
- Nó có nói nó sẽ trả cho bà bao nhiêu không?
- Bao nhiêu nó cũng mua. Thằng gạc đờ co đi theo nói nhỏ với bà, cho dù bà có ra giá mắc cỡ nào thằng Tỵ cũng quyết lòng mua bằng được. Bà có hỏi mua chi mắc vậy. Thằng này nói, đối với thằng Tỵ bao nhiêu cũng không mắc hết. Bởi có phải tiền của nó đâu. Nó ăn tiền của mấy đứa thanh niên không muốn bị bắt lính, nhờ nó chạy cho cái giấy hoãn quân dịch. Nhiều lắm. Bà nghĩ trước sau gì nó cũng lấy bằng được cặp kiểng. Nhưng bà nhứt định không bán. Điều này bà có nói với cháu rồi. Gặp được cháu, âu cũng là duyên phận của chúng. Chắc ba của bà xui khiến.
Đằng sau lời lẽ chân tình ấy là sự kỳ vọng và ẩn chứa mối hiểm nguy cho số phận của hai cây kiểng quý. Nhưng Thiện lại thấy mối hiểm nguy đang rình rập bà lão.
- Liệu thằng Tỵ có để yên cho bà không?
- Nó chưa tỏ thái độ gì. Chẳng qua bà chỉ nghe thằng cận vệ của nó nói vậy thôi. Bà có nói với nó cặp kiểng này bà đã bán cho cháu từ năm ngoái. Cháu gởi lại vì chưa có điều kiện bứng chở được. Nếu nó muốn thì để bà hỏi lại cháu. Dù sao cháu cũng là người ở xã khác, ngoài tầm với của nó.
Không còn cách nào khác, Thiện tức tốc về nhà mướn ghe, huy động gần chục nhân công hôm sau đến Hòa Thạnh. Vét hết số tiền chuẩn bị cất nhà – mà thợ đang xây gạch cuốn nền – Thiện đưa cho bà lão. Bà không nhận vì bà không bán chúng. Bà chỉ muốn cặp kiểng của ba bà không phải là vật để người ta mua danh bán tước. Thiện nhìn căn nhà xiêu vẹo của bà lão, thấy không đành lòng. Thật ra trong thâm tâm anh không hề nghĩ đây là một cuộc mua bán. Dẫu số tiền anh mang đến là không nhỏ, nó là cả gia tài của anh nhưng cũng không sao sánh được với cặp kiểng có một không hai này. Để bà già nhận anh buộc phải nói: "Nếu bà không nhận, cháu sẽ không bứng chúng. Với lại bà phải cất lại căn nhà thờ ông cụ thì thằng Tỵ mới tin, nó mới không làm khó dễ với bà".
Vậy là căn nhà định cất đành xếp xó. Vợ chồng con cái Thiện chen chúc nhau trong gian nhà dưới vốn là nhà bếp. Được cái vợ Thiện chỉ lộ vẻ buồn chứ không eo xèo gì. Chị tôn trọng cái đam mê mà chị trộm nghĩ là có chút đồng bóng của chồng.
*
* *
Hơn một năm sau, cặp Vi Diệu đã lợi nghỉn(*). Không chỉ là vẻ tốt tươi, xanh mướt cành lá do được chăm sóc kỹ càng, chu đáo mà vóc dáng càng trở nên bề thế, quyến rũ hơn.
Một buổi chiều, sau khi cắt tỉa những cành lá thô thiển, thừa thãi Thiện bước lùi ra xa để ngắm nghía. Hầu như ngày nào anh cũng có vài lần chiêm ngưỡng nó mà vẫn không thấy chán. Bỗng trong đầu Thiện lóe lên một hình tượng lạ. Thiện tưởng tượng tầng trên cùng của cặp kiểng không phải hình chóp mà thay vào đó là hình con chim Lạc. Lạ, sao cái hình tượng trên chiếc trống đồng từ trong sách giáo khoa Sử thuở anh còn đi học lại đến trong lúc này? Mà từ trước đến nay anh có thấy hoặc nghe ai uốn kiểng lại theo hình tượng đó. Nhưng sao lại không, nhất là đối với cặp kiểng quá độc đáo này?
Vậy là cái ý tưởng đôi chim Lạc bay vút lên trong khoảng không gian thoáng đãng đã được Thiện thể hiện trên tầng thứ chín của cặp kiểng, chỗ phần chóp nón. Phải mất gần hai năm đôi chim Lạc mới hoàn chỉnh. Không cứng nhắc như một sự sao chép nhưng cũng không cách điệu đến mức người xem không nhận ra.
Tin đồn ngày càng lan rộng. Những bậc chơi kiểng lão luyện tìm đến chiêm ngưỡng ngày một đông. Họ trầm trồ thán phục. Có người ngẩn ngơ như tâm trạng chàng Từ Thức vừa lạc bước vào tiên cảnh, bởi trong mắt họ đôi chim Lạc sống động như đang bay vút lên trong khoảng không gian bao la ngập tràn ánh nắng. Nhất là những buổi sáng sớm, sương còn đọng hay vừa qua một cơn mưa, nắng chiếu phớt trên cành lá làm đôi chim lấp lánh, lung linh như đang tung cánh.
Người ta liên tục đưa ra những cái giá ngất ngưởng bằng giá trị mấy tờ vé số độc đắc, cho dù biết bao lần Thiện bảo là không bán. Anh chỉ bằng lòng bán bất cứ cặp kiểng nào trong hàng trăm cặp mà anh có, chỉ trừ Vi Diệu. Trong số người ấy, có người nài nỉ do thực sự đam mê nên không tiếc tiền, nhưng cũng không ít người có ý hăm he, đe dọa vì dựa vào thế lực đương thời. Có lẽ phần nào nhờ anh nổi tiếng mê kiểng đến mức vét cạn số tiền cất nhà để mua chúng, nên họ cũng có chút nể nang, không gây khó dễ. Thôi thì đành chọn những cặp lép hơn.
Vậy mà Thiện vẫn nơm nớp lo sợ. Quê anh là vùng xôi đậu, bom thì ít nhưng pháo từ Chi khu Phú Nhơn thường xuyên bắn xuống. Nhiều lúc anh mất ăn mất ngủ vì cứ nhắm mắt là tưởng tượng cặp kiểng bị pháo bắn trúng tan tác.
Có khoảng thời gian chiến tranh ác liệt, Thiện phải ra phố quận mướn một căn nhà nhỏ gần nhà thờ cho vợ con ở. Còn Thiện thì đi đi về về để chăm sóc vườn kiểng, nhất là để nhìn thấy bằng được Vi Diệu.
Bấy giờ Thiện đã nổi tiếng là bậc thầy trong làng chơi kiểng. Ngoài việc bó nhánh, chiết cành cây ăn trái, Thiện có thêm nghề mới: sửa cây kiểng. Chính nghề mới này đã giúp anh lui tới thường xuyên nhà các quan chức hàng quận, hàng tỉnh. Như một cái mốt, ngôi biệt thự nào của các vị cũng có năm mười cặp kiểng. Hầu hết là quà biếu của thuộc cấp. Vị nào cũng muốn tỏ ra mình là người sành sõi, lão luyện trong món này nên cho người thân tín tìm Thiện, rước anh đến chăm sóc theo định kỳ mỗi tháng một lần. Lạ một điều là vị nào cũng muốn Thiện giữ bí mật "hợp đồng đặc biệt này". Chắc vì sĩ diện. Không vị nào muốn người khác biết mình kém cỏi trong thú chơi tao nhã và sang trọng này. Công việc mới mẻ giúp Thiện nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng để về báo lại cho Sơn – một cán bộ giải phóng mà anh không rõ chức vụ - thường xuyên đến ở nhà anh trong những đợt về công tác từ những ngày đầu Đồng khởi. Ngay việc Thiện chuyển vợ con ra chợ ở trong khu giáo dân cũng là do lời đề nghị của Sơn khi anh được lệnh chuyển địa bàn hoạt động. Với Sơn, công việc và sự quan hệ rộng rãi của Thiện là lá chắn an toàn, tránh được những cặp mắt xoi mói, nghi kỵ.
*
* *
Ông Thiện bịnh một trận quặt quẹo tưởng là "quăng gậy", nhưng rồi cũng hồi phục. Có điều ông ít nói hẳn đi. Dạo này người ta thường hay bắt gặp ông ngồi trước thềm ba, nhìn đăm đắm vào hai lõm trống trước sân kiểng. Đó là chỗ của cặp Vi Diệu ngày nào. Mấy chục năm rồi vẫn vậy.
Kể từ ngày người ta đem Vi Diệu đi, ông Thiện không mó tay vào bất cứ cây kiểng nào nữa. Ông giao hết lại cho hai người con trai. Hai anh này sử dụng sân kiểng làm nơi ươm trồng, mua bán. Việc kinh doanh hoa kiểng đang hồi phát triển, thành phong trào. Nhờ tiếng tăm của ông Thiện nên hai con ông làm ăn phát đạt. Mấy năm gần đây hai anh còn mở thêm đại lý ở Sài Gòn và Hà Nội, thuê người giỏi nghề ở quê và người sở tại cùng quản lý. Hai anh đi về như con thoi để săn lùng kiểng đẹp. Sân kiểng trước nhà dày đặc những loại bon sai liên tục được thay mới. Chỉ có vài cặp kiểng cổ nhưng thuộc loại tầm thường, khách hàng chê ỏng chê eo nên còn đứng đó. Duy chỗ Vi Diệu vẫn là hai lõm trống không cây nào thay thế. Đó là ý ông Thiện và được các con ông tôn trọng.
Hai lõm trống có từ ba mươi năm trước.
Đó là năm đói kém nhất sau chiến tranh. Cái ăn hàng bữa được đặt lên hàng đầu. Mọi thứ tiêu khiển, trong đó có thú chơi cây kiểng bị coi là trò xa xỉ.
Một sáng có ba người đàn ông, dáng oai vệ đi chiếc Jeep lùn đến ngắm nghía, săm soi cặp Vi Diệu. Họ nói họ là người của ty của bộ gì gì ông Thiện nghe chẳng rõ. Đại khái ông hiểu họ là người trên tỉnh và tận ngoài Trung ương. Họ nói, quả như lời đồn, cặp kiểng có đôi chim Lạc này là tuyệt tác. Nó xứng đáng đứng ở vị trí trang trọng ngoài Thủ đô để không những khách trong nước mà còn cho các vị khách nước ngoài chiêm ngưỡng. Họ ngỏ lời mua với giá cao nhất của người trước đây đã ngã, và sẽ được quy đổi ra bằng tiền mới. Ông Thiện tỏ lời cảm ơn chân thành trước sự ngưỡng mộ của họ nhưng nói rõ là ông chưa hề có ý định bán cặp Vi Diệu. Cả sân kiểng nhà ông, khách có thể chọn bất cứ cặp nào và bao nhiêu cũng được ngoại trừ chúng.
Lần thứ hai. Lần thứ ba. Rồi đến lần thứ tư. Vẫn ba người khách ấy. Lần này họ không đặt vấn đề mua bán nữa mà ân cần động viên, khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm của một công dân.
Đến nước ấy thì ông Thiện không còn lý do để giữ cặp Vi Diệu. Ông sợ người ta liệt ông vào loại người "không yêu nước". Thôi đành vậy. Có lẽ ông chỉ có duyên với chúng đến chừng đó. Chúng phải đứng ở vị trí xứng đáng hơn.
Tuy không là mua bán nhưng ông Thiện cũng nhận được số tiền khá lớn, mà những người khách cho là tương xứng với giá trị cặp kiểng để bù vào công sức chăm sóc và sáng tạo của ông.
Vi Diệu đi rồi, ông Thiện buồn nhớ chúng đến quay quắt, dù ông cũng luôn tự an ủi rằng chỗ đứng mới của chúng là xứng tầm. Ông ao ước một ngày nào đó được ra Thủ đô, tận mắt nhìn thấy chúng. Vậy mà…
- Không thể ngờ bây giờ chúng đẹp mê hồn. Bề thế và uy nghi lắm ba!
Hai anh con trai đang buôn bán ở Hà Nội nghe tin ông bịnh đã trở về sớm hơn dự định. Các anh hớn hở khoe là đã tìm thấy Vi Diệu rồi. Nhìn là nhận ra chúng ngay, không lẫn vào đâu được. Chúng được những nghệ nhân bậc thầy chăm sóc nên quá tuyệt vời, phô phang hết vẻ đẹp. Những ông Tây, bà đầm phải trố mắt vì quá bất ngờ khi nhìn thấy đôi chim Lạc…
Ông Thiện cười cho hai con vui, nhưng khi còn lại một mình ông mới chảy nước mắt. Nghĩ mà tội nghiệp cho các con. Làm cha, hơn ai hết ông hiểu lòng của chúng. Chúng nghĩ rằng bệnh của ông một phần do Vi Diệu mà ra. Vì quá thương cha, chúng đã mang tội nói dối.
Nhưng qua những câu chuyện mà hai con trai kể mong làm ông khuây khoả, ông Thiện mới vỡ lẽ rằng bây giờ người ta chơi kiểng khác Sư thầy Huệ Trung và ông nhiều lắm. Ngoài việc quan niệm nó là tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm hàng hoá, còn cái gì nữa mà ông chưa biết gọi tên. Đó là việc người ta mua kiểng thuộc loại bình thường thôi – dĩ nhiên là không quá tệ - dùng để biếu cho một quan chức nào đó nhân dịp mừng thọ hay tân gia hoặc "bán" cho các vị với giá phải chăng, nhưng cách chừng mươi ngày, nửa tháng có mấy người đến ngắm nghía, không tiếc lời ca tụng rồi nài nỉ chủ nhân nhượng lại với cái giá "trên trời". Chủ nhân thì dùng dằng, kèn cựa nhưng cuối cùng vì cảm thông ông khách "mê nó quá" nên đành "cắt ruột" mà bán. Rồi phần lớn trong số ấy, mấy ngày sau trở lại chỗ đứng khiêm tốn ngoài cửa hàng mà trước đó nó đã đứng. Cho nên bây giờ quan chức làm giàu vì "chơi kiểng" nhiều lắm. Nghe thì biết vậy thôi chứ đằng sau sự biếu tặng, mua bán đó là gì thì chỉ có "trời biết".
Vô tình chuyện tận đẩu tận đâu trong thực tế kinh doanh của hai con giúp lòng ông Thiện nhẹ nhõm phần nào. Câu hỏi bằng cách nào Vi Diệu lại hiện diện ở vườn kiểng nhà Sơn, không phải như lời những người đưa chúng đi ngày ấy đã hứa với ông giờ không còn đè nặng lòng ông nữa. Ông thấy chẳng cần phải biết, bởi cũng chẳng để làm gì. Chỉ có điều làm ông đau như ai đó đưa bàn tay thô bạo bóp nghẹt trái tim mình. Đó là, không biết từ lúc nào người ta đã biến đôi chim Lạc đang bay trên đỉnh Vi Diệu thành hình tượng của hai nàng vũ nữ. Chỗ cánh chim giờ là đôi cánh tay uyển chuyển vươn ra, uốn éo như đang thể hiện một vũ khúc nghê thường. Phải thừa nhận rằng ai đó – có thể là Sơn mà cũng có thể không phải Sơn – đã hết sức công phu trong việc tỉa tót sửa đổi, cách tân cho phù hợp với ý tưởng của chủ nhân. Sự cách điệu đôi tay vũ nữ đang múa là biểu hiện nghệ thuật bon sai trên nền kiểng cổ.
Và chính nó đã quật ông ngã quỵ.
…Tiếng đại thần chung bỗng vang âm dồn dập một cách bất thường từ chùa vọng tới. Ông Thiện lại nghe trong ngực trái mình giật thót. Không kềm được, ông lẩm bẩm một mình: "Lẽ nào Sư thầy Huệ Trung viên tịch?"…
Chú thích: Tác giả giữ bản quyền. |
N.T (Bến Tre)
0 Trả lời:
Đăng nhận xét