Trong một vài bài viết gần đây, tôi đã từng nói rằng gần như không ai trong chúng ta có thể làm được công việc vá lại lỗ hổng của cuộc khủng hoảng tài chính đã gây ra cho thị trường. Bản thân tôi đặc biệt chú ý tới sự tương trợ lẫn nhau, tới những cuộc đối thoại trầm tĩnh đề phần nào che bớt đi sự ảm đạm của những gì đang diễn ra với tất cả mọi người, không trừ một ai, trong thời kì đầy khó khăn này.
Và ai cũng đang kiếm tìm cho mình một niềm tin, sự an ủi thông qua việc cùng nhau tham gia những hoạt động đó. Thật vui khi chứng kiến việc đó. Sự cổ vũ, khích lệ, sự hi vọng sẽ cho chúng ta sức mạnh để vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, có điều gì đó vẫn làm tôi thấy đôi chút băn khoăn. Chúng ta không thể ngồi yên một chỗ. Hi vọng không đồng nghĩa với sự thụ động. Ngược lại, hi vọng hoàn toàn chủ động, nó đòi hỏi phải nhiều nỗ lực. Nó hoàn toàn chủ động, và nó đòi hỏi phải có nhiều năng lượng và lòng dũng cảm.
Tôi xin chia sẻ với các bạn một “phương trình” mà tôi rất tâm đắc, do một người bạn thân của tôi (Cha Vladirmir Felzmann) đã từng đề cập tới: Hi vọng = Niềm tin + Sự gian nan, thử thách. Cùng nhau hi vọng sẽ giúp chúng ta:
* Nhìn mọi việc theo chiều hướng lạc quan (Chúng ta sẽ vượt qua nó!);
* Vẽ ra một viễn cảnh khả thi cho tương lai (Không được phép ảo vọng. Cần phải lý trí một cách hợp lý.); Khám phá tính hiệu quả (Tôi, hay chúng ta có thể làm việc này trở thành sự thực!)
Số hạng “niềm tin” trong phương trình của Vladimir vừa đề cập ở trên đã bao hàm cả sự lạc quan (và còn nhiều hơn thế). Sự hi vọng được khởi nguồn với một niềm tin vững chắc rằng tương lai sẽ mang lại những điều tốt lành nhất cho chúng ta, cho gia đình, cho cộng đồng và cho cả nhân loại.
Sự gian nan thử thách mà chúng ta phải đối mặt chính là việc phải có được một tầm nhìn đúng đắn về tương lai, với những việc làm có nhiều khả thi. Nếu tỏ ra bị đờ đẫn vì sợ hãi, đau buồn, hay quá nóng giận; thì khó có thể tô màu cho bức tranh viễn cảnh đó được.
Chính vì thế, bước đầu tiên trong chuỗi hành trình gian nan trước mắt là cần lưu tâm tới việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực thường lấn át lý trí của con người mỗi khi mọi chuyện đi chệch quỹ đạo, không theo đúng hướng mà mình mong muốn.
Điều này không có nghĩa là phải tìm cách xua đuổi mọi nỗi sợ hãi, tức giận, hay sự buồn phiền; bởi đôi lúc chính những xúc cảm này lại tỏ ra rất hữu ích trong việc định hướng hành động của chúng ta. Tuy nhiên, tuyệt đối không thể để cho những trạng thái tình cảm này lấn át và chi phối chúng ta. Khi điều đó xảy ra, cũng là lúc chúng ta đã mất hoàn toàn sự kiểm soát với cuộc sống của mình – và với cả tương lai phía trước.
Do đó, thay vì xua đuổi, hãy cảm nhận nỗi sợ hãi, sự tức giận, và cả sự ưu phiền đang ngự trị trong con người bạn. Những xúc cảm này cho bạn biết những gì về mình, về những người xung quanh, về về tình cảnh mà bạn đang trải nghiệm? Liệu từ sâu bên trong, những trạng thái này đang mách bảo bạn điều gì?
Hãy suy nghĩ càng sâu càng tốt. Hãy biến những sắc thái tình cảm này thành nguồn động lực khiến bạn có thêm quyết tâm “thức tỉnh và làm một điều gì đó”. Và sẽ là hoàn hảo nếu việc mà bạn làm có ích cho người khác. Đó là cách thức nhanh nhất để biến những cảm xúc tiêu cực thành những cảm xúc tích cực hơn. Và không thể phủ nhận rằng đây là một công việc không hề đơn giản và dễ dàng, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn chúng ta tưởng.
Đôi khi, chính những tình cảm u sầu là nguyên nhân khiến con người bị bủa vây và kìm kẹp trong sự bất an, lo lắng; chúng sinh ra những ảo giác ám ảnh ngăn cản chúng ta nhìn nhận thẳng vào sự thật.
Sự điềm tĩnh (có phần rầu rĩ) mà tôi nhìn thấy ở những người bạn và đồng nghiệp của mình gần đây thật sự hết sức đáng quý – và sẽ tốt hơn nếu sự điềm tĩnh đó gắn liền với thực tại. Vì thế, nếu lúc nào cũng cố che giấu, cố gắng xóa đi những cảm giác về sự bất ổn, thì nhiều khi chúng ta sẽ bị thuyết phục một cách mù quáng rằng mọi thứ sẽ trở lại “bình thường” và rằng mọi chuyện rồi sẽ đổi khác, sẽ biến chuyển tốt hơn... Hãy thật cẩn trọng!
Niềm tin mù quáng vào tương lai chính là biểu hiện của một thói quen phòng thủ. Có những lúc tâm lý con người bị đè nặng, ám ảnh bởi một ý nghĩ rằng chỉ có thần tiên, những điều kì diệu mới giúp cho chúng ta khỏi mọi rắc rối hiện tại.
Tuy nhiên, cũng giống như những xúc cảm tiêu cực, niềm tin vào phép màu (mà không có căn cứ gì) sẽ phá hủy khả năng hành động tỉnh táo, và khôn ngoan của chúng ta. Đó cũng giống như một món ăn tinh thần. Hương vị của nó sẽ thật tuyệt đặc biệt vào một ngày mưa buồn. Nhưng nếu cứ ăn nó hàng ngày bạn sẽ không tránh khỏi việc phát phì.
Nỗ lực cần tiếp tục được phát huy với một nhiệm vụ khác khó khăn hơn là: phải học cách chỉ ra được điểm khác biệt giữa một giấc mơ hữu ích và một hi vọng hão huyền mà chính nó có thể là vật cản trở với bạn trên đường con đường tiến về phía trước.
Làm sao để bạn có thể nói rằng liệu mình có đang đi đúng đường không? Hãy nói cho một ai đó. Hãy tìm đến những người xung quanh bạn, những người có thể nói cho bạn biết sự thật. Hãy mang họ vào những giấc mơ của bạn. Hãy nói về những giấc mơ của họ. Cùng động viên lẫn nhau.
Cuối cùng là công việc gian nan nhất: Phải luôn tin tưởng vào chính mình. Hi vọng sẽ chẳng là gì nếu không có những hành động dũng cảm. Muốn vậy, trước hết bạn phải luôn tự tin, đừng bao giờ mất niềm tin vào bản thân, niềm tin mà bạn – hay chúng ta – có thể biến điều gì đó thành hiện thực.
Tại sao lúc nào đế bước từng bước tiến về phía trước và chịu trách nhiệm cho tương lai cũng khó đến vậy? Vào những thời điểm khó khăn, có thể nhiều người trong số chúng ta sẽ tỏ ra bị hạ gục bởi sự dè dặt, sợ hãi, thiếu tự tin được ngụy trang dưới những hình thức như là sự cẩn trọng, hoặc thái độ “chờ đợi và xem xét”.
Hi vọng luôn khởi hành cùng sự lạc quan. Hầu hết trong mọi trường hợp chúng ta đều có thể tìm thấy một điểm sáng, kể cả trong bóng đêm. Hãy tìm lấy điểm sáng cho chính mình. Giờ thì cùng thức tỉnh và làm điều gì đó, hãy để sự lạc quan làm bạn đồng hành trên chặng đường đó.
Hãy tô màu cho bức tranh về một giấc mơ mà bạn gửi gắm niềm tin. Hãy nói cho một ai đó. Hãy hành động, dù cho có gặp phải rủi ro thất bại. Và hãy nỗ lực hết mình để mang hi vọng đến với cuộc đời.
- Bài viết của Annie McKee trên chuyên mục Discussion Leaders, tạp chí Harvard Business Online – theo Tuan Viet Nam
0 Trả lời:
Đăng nhận xét