Theo Jay Conrad Levison, chuyên gia tư vấn của tạp chí INC, thì một chiến dịch marketing cần phải diễn ra theo một quá trình liên tục. Các chiến dịch marketing có thể có giai đoạn bắt đầu và giai đoạn đang thực thi nhưng không thể có một điểm dừng dứt khoát nào.
Chỉ khi các công ty muốn khép lại cánh cửa kinh doanh của họ với thị trường sôi động bên ngoài, thì đó mới là thời điểm họ chấm dứt hoàn toàn các chiến dịch marketing của mình.
Trong tất cả các yếu tố tạo dựng nên sự thành công rực rỡ cho các chiến dịch marketing nhắm vào thị trường và người tiêu dùng, có ba điều được các chuyên gia đánh giá là cần thực sự phải lưu ý nhất.
Trước hết, các công ty đã dành ra rất nhiều thời gian để hoạch định và triển khai các chiến dịch tấn công bằng marketing, không những thế, họ còn phải đánh đổi và dành toàn bộ thời gian, sự nghiệp để duy trì, điều hành và phát triển các chiến dịch ấy. Trong khi đó, vũ đài marketing bao giờ cũng rất căng thẳng và quyết liệt với sự cạnh tranh, lấn át giữa những công ty và đối thủ của họ. Bởi vậy, không có lí do nào để mỗi người kinh doanh, mỗi công ty tự ban phát cho mình sự thoả mãn quá sớm để tận hưởng thành quả của mỗi kế hoạch marketing.
Thứ hai, những doanh nhân thành công trong lĩnh vực marketing có được thành quả tốt đẹp trong công việc của họ, là vì hơn bao giờ hết họ nắm vững và hiểu một cách sâu sắc những khái niệm như “nhắm vào khách hàng” và “nhiệm vụ lâu dài” của mình là như thế nào. Họ cũng không lĩnh hội cụm từ “quan hệ marketing” một cách chung chung như những người trong nghề khác vẫn thường nghĩ. Chính vì vậy mà các kế hoạch marketing của họ luôn được kích hoạt và tái kích hoạt một cách linh động nhất có thể, nhằm đáp ứng các khách hàng hiện thời đang có cũng như hướng tới những viễn cảnh, triển vọng kinh doanh của họ. Một kế hoạch marketing gần như sẽ nắm chắc nguy cơ thất bại nếu nó có được sự linh hoạt cần thiết, và điều đó có nghĩa là các chuyên gia marketing không bao giờ được phép rời mắt khỏi những “Thượng đế” và nhu cầu của họ.
Và cuối cùng, các chuyên gia marketing tài ba luôn đề cao nhận thức về thị trường và đối tượng khách hàng mục tiêu. Các công ty và tập đoàn lớn sẽ khó có thể thành công vượt trội nếu họ chỉ hoạt động trong một cụm hoặc vùng thị trường nhỏ hẹp. Và cho dù mỗi chiến dịch marketing có thu được kết quả khả quan đến mấy đi nữa, sẽ sai lầm nếu những công ty này đánh mất mối liên hệ với khách hàng và người tiêu dùng đang có. Nếu điều này xảy ra, xem như họ chấp nhận thụt lùi so với các đối thủ năng động khác trên thương trường.
Philip Kottler, tác giả của cuốn “Quản lí Marketing” phát biểu: “Marketing đích thực không phải là thứ nghệ thuật chào bán những gì chúng ta làm ra, mà phải hiểu những gì chúng ta cần phải làm. Đó là nghệ thuật xác định và am hiểu những nhu cầu của khách hàng và từ đó có biện pháp phù hợp nhằm mang lại sự thoả mãn cho khách hàng, lợi nhuận cho nhà sản xuất và lợi ích cho các cổ đông khác. Sự cách tân Marketing chỉ thu được thành quả từ việc mang đến cho khách hàng sự hài lòng qua việc cải cách sản phẩm, chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Thiếu đi những điều này, thì mọi công sức và đầu tư dành cho việc quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến sản phẩm và bán hàng sẽ không được đền đáp lại”.
Do đó, các chiến dịch tấn công bằng marketing của mỗi công ty phải thực sự gắn chặt với các đối tượng khách hàng mục tiêu của họ. Đó là một nét đặc trưng quan trọng hàng đầu. Các công ty biết rõ khách hàng của họ là ai và hết lòng phục vụ những vị “Thượng đế” này. Cần nhận thức rõ rằng, Marketing không bị chi phối và ảnh hưởng hoàn toàn bởi điều kiện vốn liếng hạn hẹp hay dồi dào, bởi xét trên một góc độ nào đó, thì trong hoàn cảnh chi phí marketing hạn hẹp sẽ kích thích những người hoạt động trong lĩnh vực này luôn sáng tạo và dám tiên phong áp dụng những ý tưởng táo bạo của họ. Vậy nên, chúng ta có thể gọi các chiến dịch marketing là những cuộc tấn công thực sự, vì nó mang trong mình sự táo bạo và tính kiên trì đi đến cùng đích thành công bằng chính những quan điểm, cách nhìn nhận sáng suốt và mang tính chính xác cao của những người hoạt động marketing.
Trước hết, những người dám nghĩ dám làm trong marketing luôn ý thức và nhận biết được đâu là khoảng cách giữa những khả năng đơn thuần và những triển vọng vượt trội hơn, đâu là sự khác biệt to lớn giữa những khách hàng bình thường và những khách hàng mục tiêu. Điều đó cho phép họ khoanh vùng phục vụ những đối tượng được ưu ái hơn, để nắm chắc được một điều rằng khoản đầu tư của họ sẽ nhanh chóng sinh lợi. Nếu như các công ty phục vụ tất cả các khách hàng như nô tỳ trong một hoàng gia, thì họ phục vụ những khách hàng mục tiêu của mình như phục vụ chính thành viên trong gia đình của họ. Họ luôn cố gắng để thu hút những khách hàng mục tiêu này ủng hộ và nhiệt thành quan tâm đến công việc của công ty họ, hơn là hành động bỏ tiền ra mua sản phẩm đơn thuần.
Bởi vậy, một khi đã có được một khách hàng, những marketer thành công này không hài lòng với tình hình hiện có, mà họ sẽ cố gắng để nâng cao, củng cố mối quan hệ với vị khách hàng nọ. Đương nhiên, họ không thể đối xử bình đẳng với tất cả các khách hàng như nhau. Họ biết cách nhắm vào một lượng khách hàng chất lượng, với xác suất thành công cao còn hơn là nhắm vào một số lượng khách hàng quá lớn mà kết quả thu lại sẽ không khả quan chút nào. Chẳng hạn như họ biết cách bỏ ra thời gian để viết thư tay, dù là ngắn ngủi cho các khách hàng thân tín, với những chiếc phong bì trang trọng có dán một con tem kỉ niệm của công ty dành riêng cho đối tác quan trọng. Với cách đối xử tận tâm như thế, các khách hàng luôn cảm nhận được rằng công ty nọ đang hướng về mình như thế nào. Bên cạnh đó, chiến lược và cách hành động của họ cũng nhắm vào những thị trường có khả năng và triển vọng thành công cao hơn. Chỉ cần một chút biểu hiện của tình trạng tăng giá nhiên liệu hay bất ổn tại một khu vực nào đó, cũng khiến họ gạt bỏ những tiềm năng hấp dẫn khác sang một bên và không chọn thị trường tại đó. Bởi điều này quá mạo hiểm đối với các khoản đầu tư của họ.
Như vậy, marketing không phải bao giờ cũng gói gọn và nên được dừng lại trước “miếng bánh” thành quả nhỏ bé mà những người thiển cận trông thấy được. Một chiến dịch tấn công bằng marketing đòi hỏi những thành viên trong lĩnh vực này phải thực sự táo bạo, quả quyết, kén chọn và lĩnh hội sâu sắc những triển vọng, những tiềm năng họ nhận thấy được. Chỉ bán hàng hay thiết lập các mối quan hệ thôi là chưa đủ! Mà hãy nhắm vào các mục tiêu, các triển vọng có được, kiên trì nuôi dưỡng và quyết tâm làm cho những triển vọng ấy đạt được mức độ tốt nhất, nếu không muốn nói là hoàn hảo. Bài học tự thoả mãn và chọn thời điểm dừng lại một cách sai lầm của một số công ty cho thấy họ lĩnh hội khá mơ hồ, nóng vội và ỷ lại vào công nghệ trong quá trình marketing.
0 Trả lời:
Đăng nhận xét