19 thg 6, 2010

Quảng cáo: không nhất thiết phải nhiều tiền

Quảng cáo: không nhất thiết phải nhiều tiềnChúng ta đều biết, các hãng Coca-Cola hay Phillip Moris sẵn sàng “đốt” hàng tỷ USD trong những chiến dịch khuyếch trương sản phẩm. Các “đại gia” này cũng không bao giờ biết “xót ruột” ngay cả khi ngân sách dành cho quảng cáo chiếm đến 10% doanh thu. Tuy nhiên, không phải bất cứ quảng cáo có hiệu quả nào cũng tiêu tốn nhiều tiền đến thế, và hãng bán lẻ Lonex (Phần Lan) là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.

“Chính những quảng cáo ít tiền nhưng hiệu quả mới thể hiện bản lĩnh và khả năng thực sự của công ty trên thị trường. Chúng tôi muốn chứng tỏ bản thân thông qua những nỗ lực quảng cáo của mình”- Mary Hatchison, giám đốc điều hành Lonex nói.

Lợi nhuận hàng năm của Lonex lên đến gần 100 triệu euros, nhưng hãng rất “dè sẻn” đối với những quảng cáo tốn kém trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không như những tập đoàn kinh tế lớn khác mỗi năm bỏ ra hàng trăm triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo, Lonex thường kết hợp việc quảng cáo với những hoạt động cụ thể của hãng.

Theo quy định tại các cửa hàng bán lẻ của Lonex, chủ nhân sẽ đích thân đứng trước cửa hàng để đón khách mỗi buổi sáng trước khi mở cửa. Ông chủ này trực tiếp “lăng-xê” sản phẩm bằng cách khoác lên người những thứ mà cửa hàng kinh doanh, từ bộ quần áo được may đặc biệt, kính râm, hoa tai, vòng tay, bút bi, giày cao gót đến son môi… Tất cả đều phải thể hiện được phong cách của các sản phẩm Lonex.

Một trong những tiêu chuẩn lựa chọn chủ cửa hàng của Lonex là phải có dáng người chuẩn để càng tô thêm vẻ hấp dẫn khi mặc những sản phẩm của hãng. Khi khách hàng có thắc mắc, chủ cửa hàng đều tự mình giới thiệu, giải thích những ưu điểm của sản phẩm một cách rõ ràng với thái độ niềm nở. Tất nhiên, trước đó các chủ cửa hàng đều phải trải qua các khoá huấn luyện đặc biệt do hãng tổ chức.

Hãng Lonex dùng biện pháp thưởng tiền, tăng lương để khuyến khích các nhân viên bán hàng sử dụng sản phẩm của Lonex tại nơi làm việc, tức là đảm nhận cả nhiệm vụ quảng cáo. Họ không chỉ mặc quần áo đó khi làm việc mà ngay khi trên đường về, thậm chí khi đi chơi trong những ngày nghỉ cuối tuần. Qua đó, Lonex đã tận dụng được mối quan hệ xã hội rộng rãi của các nhân viên để thực hiện quảng cáo rộng khắp. John Mase, một chủ cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Lonex, cho biết: “Trên thực tế, việc tôi và các nhân viên cửa hàng mang trên mình những sản phẩm của Lonex sẽ tạo ra ấn tượng mạnh hơn. Có như thế, khách hàng sẽ tin tưởng rằng sản phẩm, hàng hoá của hãng có chất lượng và phục vụ cuộc sống hàng ngày một cách có hiệu quả”.

Để tăng thêm sự hiểu biết của khách hàng đối với những vật dụng nhỏ, Lonex đã thực hiện phương thức kinh doanh: nhân viên bán hàng kiêm nhân viên tiếp thị khi họ “tự bán tự khoe”. Hãng để cho một số nhân viên có chuyên môn mặc những hàng hoá của hãng rồi ra ngoài làm quen và giới thiệu với mọi người. Công việc này tỏ ra khá hiệu quả, khách hàng đến với Lonex ngày một đông hơn khiến doanh thu của hãng cũng theo đó tăng lên.

Lonex còn đưa ra quy định khá hấp dẫn các nhân viên của mình là nhân viên nào mang trên người các hàng hoá của Lonex giúp hoạt động kinh doanh của cửa hàng phát triển hiệu quả hơn thì mỗi tháng được cộng thêm vào lương 300 euros. Quy định này thúc đẩy nhân viên của hãng coi trọng hơn các hoạt động quảng cáo. Họ tìm cách khai thác các mối quan hệ bè bạn và tích cực tuyên truyền về những sản phẩm hàng hoá của Lonex. Có nhân viên còn nhân các dịp tiệc tùng, sinh nhật để mang một số hàng hoá tặng cho khách. Kết quả rất khả quan khi nhiều vị khách sau đó đã đến đặt hàng.

Nghệ thuật quảng cáo “bằng chính mình” của Lonex tỏ ra có tác dụng rất lớn trên thị trường bán lẻ. Những năm cuối của thập niên 90, mỗi năm doanh thu của Lonex tăng trung bình 50% khiến ngày càng có nhiều người đánh giá cao hiệu quả đối với phương thức quảng cáo “tiết kiệm” này của Lonex. “Có thể bạn nghĩ rằng phương thức quảng cáo nào xem ra hơi cổ lỗ, nhưng trên thực tế nó vẫn hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thị trường ngày nay. Nghệ thuật quảng cáo này được đánh giá là có tính thích ứng khá cao, làm cho nhiều đối thủ khác trong lĩnh vực bán lẻ khó có thể cạnh tranh được”- John Mase nói.

Số tiền đổ vào các quảng cáo đắt tiền vẫn ngày một gia tăng và chưa có công ty nào tỏ ra hối hận với quyết định của mình. Tuy nhiên, qua chiến lược phát triển của Lonex, chúng ta có thể thấy rằng các chiến lược quảng cáo không phải cứ tốn kém mới hiệu quả, mà nó còn phải phù hợp với thực tế, đặc điểm của từng công ty cũng như thị trường kinh doanh cụ thể.

0 Trả lời:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More